Du lịch Huế - Phần 5

TÌM HIỂU DI TÍCH VÀ VĂN HÓA HUẾ - PHẦN 5

Lăng Khải Định        

Bây giờ đoàn ta sẽ đến tham quan một điểm tham quan mới đó chính là lăng Khải Định.
        So với 6 khu lăng khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Khải Định là lăng sau cùng, và mặt bằng kiến trúc nhỏ nhất, nhưng đây lại là cong trình đòi hỏi nhiều nhất về thời gian công sức và tiền của. Nếu lăng Gia Long xây dựng trong 6 năm (1814 – 1820), lăng Minh Mạng trong 4 năm (1840 – 1843), lăng Tự Đức 3 năm (1864 – 1867), thì cuộc kiến trúc lăng Khải Định kéo dài đến 11 năm (1920 – 1931).
        Vua Khải Định tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, sinh năm 1885, lên ngôi năm 1916 ở tuổi 31 và mất năm 1925 vì bệnh. Sau khi quàn trong hoàng cung gần 3 tháng, quan tài của nhà vua được đưa lên bằng đường bộ ngày 31 – 01 – 1926, với một lễ tang rất trọng thể. Riêng kiệu tang đã có đến 120 người gánh.
        Vua Khải Định chỉ tại vị chưa tới 10 năm, nhưng thời gian xây dựng lăng tẩm của ông kéo dài đến 11 năm, từ năm 1920 đến 1931.Ngay sau khi lên ngôi, ông đã cho xây dựng nhiều cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng.
        Để xây dựng sinh phần cho mình, Khải Định đã tham khảo nhiều tấu trình của các thầy địa lý cuối cùng đã chọn triền núi Châu Chữ làm vị trí để xây cất lăng mộ. Ở vị trí này, lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”. Nhà vua đổi tên núi Châu Chữ - vừa là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng - thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi là Ứng Lăng.
        Lăng khởi công ngày 4 tháng 9 năm 1920 do Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy và kéo dài suốt 11 năm mới hoàn tất. Tham gia xây dựng lăng có rất nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng...
        Vào năm 1920, sau khi các thầy địa đi coi đất và chọn địa điểm xong, triều đình huy động nhiều tù nhân và binh lính ở Huế lên làm việc khổ sai tại đó: mở đường, phá núi, làm toại đạo, tạo ra mặt bằng xây dựng ở triền phía tây của một ngọn núi thuộc vùng Châu Chử. Bấy giờ, vùng núi Châu Chử, nơi có khe Châu Ê chảy qua, là nơi nước độc, đầy lam sơn chướng khí. Tù nhân, binh lính và thợ thuyền lên làm việc ở đây đã bị bệnh, bị thương và chết khá nhiều. Cho nên ở Huế lúc bấy giờ thường lưu truyền câu ca dao:
Châu Ê ơi hỡi Châu Ê
Khi đi thì có, khi về thì không
        Và để điều khiển công việc xây dựng lăng, triều đình đã cử Tiền quân Lê Văn Bá nhận nhiệm vụ điều khiển công việc xây lăng. Nhà thầu khoán Bang Hưng (Bang tá Nguyễn Thành Hưng) được giao trách nhiệm cung cấp vật liệu xây dựng. Ông Bang Phu phụ trách việc điều hành nhân sự trên công trường.
        Triều đình đã đưa nhiều thợ thủ công có tay nghề trong “Nê ngõa tượng cuộc” (một ngành thợ của nhà nước triều Nguyễn là nghề thợ nề và thợ gạch ngói tại xã Hương Vinh – Hương Trà. Hiện nay tại đây còn có miếu thờ thờ tổ nghề và đây cũgn là nơi triều Nguyễn đặt lò sản xuất gạch ngói) và không ít nghệ nhân có tay nghề cao lên đây làm việc dài hạn. Họ phải ăn ở trong những nhà cửa và lán trại xây cất tạm bợ chung quanh công trường. Trong số đó có một nghệ nhân nổi tiếng nhất về tài trang trí bằng cách vẽ những bức họa long vân trên trần và đắp nổi cảnh vật lên tường, là cụ Phan Văn Tánh, về sau được tặng hàm bát phẩm.
        Trong khi phần lớn vật liệu xây dựng 6 lăng vua Nguyễn tiền nhiệm là bằng gỗ đá, vôi, gạch sản xuất trong nước, thì tuyệt đại đa số vật liệu xây dựng lăng Khải Định đều phải nhập ngoại. Sắt, thép, xi măng, ngói “ardoise” và nhiều thứ khác, phải mua từ Pháp. Sành ngang chở từ Hà Đông vào, nhưng sành tốt, sứ kiểu phải đặt ở Giang Tây (Trung Quốc).
        So với các lăng khác của các vua nhà Nguyễn thì lăng Khải Định là lăng có diện tích khá nhỏ. Tất cả có khoảng 10 công trình kiến trúc chính đều nằm bên trong một khuôn viên hình chữ nhật dài 117m và rộng 48,50m được bao bọc bằng một hào rào bêtông. Mật độ kiến trúc dày đặc. Hầu hết các công trình kiến trúc đều được bố trí từng cặp đối xứng theo trục dọc chạy xuyên tâm lăng qua 6 tần sân từ thấp đến cao với hệ thống bậc thềm có tổng cộng 127 bậc cấp.
        Trong khuôn viên từ dưới lên, có cổng chính, phường môn, 2 nhà Tả Vu, Hữu Vu, bái đình, bi đình, 2 trụ biểu và cung Thiên Định, công trình kiến trúc to lớn và quan trọng bậc nhất. Với mặt bằng xây dựng 34,50m x 26,40m.
        Trong lăng Khải Định hiện nay có hai pho tượng bằng đồng tạc hình nhà vua theo tỉ lệ 1/1: một pho tượng ngồi trên ngai vàng và một pho tượng tượng đứng. Sự có mặt của tượng vua trong lăng là một điều đặc biệt so với các lăng khác.
        Pho tượng ngồi trên ngai được thực hiện ở Paris vào năm 1920, do hai người pháp là P. Ducuing tạc tượng và F. Barbedienne đúc tượng. Trong lòng tượng rỗng nên không nặng lắm, sau khi chở về Huế mới được mạ vàng bên ngoài.
        Còn pho tượng đứng thì được đúc ngay tại Huế do một người lính thợ, quê ở Quảng Nam thực hiện. Làm xong ông cũng được tặng hàm bát phẩm. Tượng này nguyên đặt trong ngôi nhà bát giác xinh xắn mang tên là Trung Lập Đình ở trong sân trước của cung An Định. Vào năm 1960, trong hoàn cảnh chính trị và xã hội thay đổi, pho tượng được đưa lên đặt tại Bi đình ở lăng Khải Định. Kể từ năm 1975, nó bị dẹp vào cất trong một phòng kín tại lăng.
        Về kiến trúc lăng Khải Định được người đời sau thường đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng... tạo ra từ phong cách kiến trúc.
        Về tổng thể, lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao có 127 bậc cấp. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique... đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể:
        • Những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ;
        • Trụ biểu dạng stoupa của Phật giáo;
        • Hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu;
        • Nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể...
        Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định.
        Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, được xây dựng công phu và tinh xảo. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện... kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa... cũng được trang trí nơi đây. Công trình này gồm 5 phần liền nhau:
        • Hai bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng;
        • Phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định;
        • Chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua ở trên và mộ phần phía dưới;
        • Trong cùng là khám thờ bài vị của vua.
        Bằng những đường cong uốn lượn mềm mại của chiếc bửu tán che trên ngự tọa, các nghệ nhân bậc thầy thời bấy giờ đã tạo ra được cho người xem cái ảo giác nó rất nhẹ nhàng, có thể lay động trước một cơn gió thoảng. Ở một số panô thể hiện cây cối hoa lá, tạo cho người xem có cảm giác như đang thấy gió thổi tre nghiêng, mưa rơi liễu rũ… Trong một số các ô hộc khác, các thú vật như đang chạy nhảy trên đồi núi, đồng cỏ, những đôi chim như đang bay lượn, vùng vẫy giữa không gian.
        Ngoài những chữ “phúc”, ở đây còn trang trí hàng trăm chữ “thọ” và “vạn thọ” được cách điệu hóa bằng cả chục hình thức khác nhau: hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, hình thuẫn, hình cái lư, hình lồng đèn… Thọ nghĩa là sống lâu, sống mãi, nói lên quan niệm “sống gửi thác về” của các vua nhà Nguyễn. Theo họ lăng tẩm không phải chỉ là chỗ chôn người chết mà còn là nơi họ tiếp tục sống muôn thuở ở thế giới bên kia.
        Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920, do 2 người Pháp là P. Ducing và F. Barbedienne thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30 m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngai vàng vua khải Định ngồi là vầng mặt trời đang lặn. Vua cao cả như mặt trời. Mặt trời lặn biểu thị nhà vua băng hà.
          Bằng óc thông minh sáng tạo, bằng tính nhẫn nại cần cù, và bằng bàn tay tài hoa bay bướm, những người thợ thủ công Việt Nam bấy giờ đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền mỹ thuật của đất nước với nghệ thuật phù điêu bằng sành sứ và thủy tinh cực kỳ tinh xảo, vô cùng đặc sắc và hết sức hấp dẫn. Nhờ những “bàn tay vàng” của các nghệ nhân thời Khải Định đã dùng hàng vạn mẩu sành sứ và thủy tinh đủ màu để đắp nổi thành hàng ngàn hình ảnh sinh động và vui mắt: các bộ tranh tứ thời, ngũ phúc, bát bửu, bộ đồ trà, mâm ngũ quả, đèn dầu hỏa, đồng hồ để bàn, mề đay, chữ phúc, chữ thọ (cách điệu thành nhiều hình thức khác nhau)… Mọi hình ảnh tuy được cấu tạo bằng những vật liệu cứng, nhưng nhờ sự tạo hình khéo léo và màu sắc hài hòa, nên trông vẫn thanh nhã, mượt mà, óng ả, long lanh.
        Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định.
        Để thực hiện các công trình kiến trúc và trang trí tốn kém ở lăng Khải Định, nhà nước bấy giờ đã tăng thuế điền trên toàn quốc lên 30% và lấy số tiền đó để làm lăng. Hành động này của Khải Định đã bị lịch sử lên án gay gắt.
        Từ xa nhìn lại, lăng Khải Định giống như một tòa lâu đài ở Châu Âu, vì được xây dựng bằng bêtông trên một sườn núi. Nhưng nếu quan sát kỹ, chúng ta mới thấy các núi đồi khe suối của cả vùng rộng lớn chung quanh lăng đều đã được các nhà quy hoạch bấy giờ lợi dụng để làm các yếu tố Phong thủy: tiền án, hậu chẩm, hổ phục, rồng chầu, minh đường, thủy tụ. Chính các thực thể thiên nhiên được hình tượng hóa và siêu nhiên hóa ấy đã làm cho lăng này có một ngoại cảnh hùng vĩ và tráng lệ.
        Mặc dù lăng Khải Định được xây dựng bằng những vật liệu kiên cố, nhưng nó cũng đã được trùng tu vào các năm 1961, 1973, 1985, 1987, và năm 1994. Riêng kinh phí cuối cùng này đã lên đến 3.936.815 nghìn đồng.
        Với ngoại cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ, với các công trình kiến trúc băng bêtông cốt thép, với tượng đồng bia đá, và với nghệ thuật trang trí ở nội thất cung Thiên Định như một bảo tàng mỹ thuật, lăng Khải Định là một tác phẩm kiến trúc có sự dung hội và giao thoa giữa các dòng văn hóa Đông Tây kim cổ. Nó đánh dấu giai đoạn tan cổ điển của lịch sử mỹ thuật triều Nguyễn nói riêng và của sự hội nhập văn hóa ở Việt Nam nói chung vào những thập niên đầu thế kỷ XX.
        Thưa các cô chú anh chị, như vậy chiều hôm nay đoàn ta đã tham quan xong hai lăng vua Tự Đức và lăng vua Khải Định. Bây giờ xe sẽ đưa đoàn ta về khách sạn nghỉ ngơi ăn tối. Và sau bữa tối chúng ta sẽ có chương trình nghe ca Huế trên sông Hương sau đó trở về khách sạn nghỉ ngơi. Và ngày mai, đoàn ta sẽ có chương trình đi tham quan lăng vua Minh Mạng, thăm vườn quốc gia Bạch Mã và trở về Lăng Cô để nghỉ ngơi.
        Ca Huế là một hệ thống bài bản phong phú gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc, điệu Nam và một hệ thống "hơi" diễn tả nhiều sắc thái tình cảm đặc trưng. Điệu Bắc gồm những bài ca mang âm điệu tươi tắn, trang trọng. Điệu Nam là những bài âm điệu buồn, nỉ non, ai oán. Bài bản Ca Huế có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt, trải qua quá trình phát triển lâu dài đã trở thành nhạc cổ điển hoàn chỉnh, mang nhiều yếu tố "chuyên nghiệp" bác học về cấu trúc, ca từ và phong cách biểu diễn. Đi liền với ca Huế là dàn nhạc Huế với bộ ngũ tuyệt Tranh, Tỳ, Nhị, Nguyệt, Tam, xen với Bầu, Sáo và bộ gõ trống Huế, sanh loan, sanh tiền. Kỹ thuật đàn và hát Ca Huế đặc biệt tinh tế nhưng Ca Huế lại mang đậm sắc thái địa phương, phát sinh từ tiếng nói, giọng nói của người Huế nên gần gũi với Hò Huế, Lý Huế; là chiếc cầu nối giữa nhạc cung đình và âm nhạc dân gian.
        Thưa các cô chú anh chị, bây giờ đoàn ta sẽ đến với một điểm tham quan mới ở Huế theo lộ trình của đoàn ta đó chính là lăng Minh Mạng.
        Minh Mạng tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, sinh ngày 23 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1791), là con trưởng của vua Gia Long. Tháng giêng năm Canh Thìn (1820), Thái Tử Đảm lên ngôi vua, vị vua thứ hai của triều Nguyễn, niên hiệu là Minh Mạng.
        Minh Mạng là người có tư chất thông minh, hiếu học, năng động và quyết đoán. Ông đặt ra lệ khi các quan trong triều được thăng chức, bổ nhiệm… đều phải đến kinh đô gặp vua để kiểm tra năng lực.
        Là người tinh thâm nho học, sùng đạo Khổng và Mạnh, Minh Mạng rất quan tâm đến học hành, khoa cử, tuyển chọn nhân tài. Năm 1821 ông cho dựng Quốc Tử Giám, đặt chức quan Tế Tửu (hiệu trưởng) và Tư nghiệp (hiệu phó), mở lại thi Hội và thi Đình, trước 6 năm một khoa thi, đến đời Minh Mạng rút xuống còn 3 năm.
        Minh Mạng cũng rất quan tâm đến võ bị, nhất là thủy quân, nên đã sai người tìm hiểu cách đóng tàu của Châu Âu và mong ước người Việt đóng được tàu kiểu Tây Âu và biết lái tàu vượt đại dương.
        Minh Mạng đã cho xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở Bắc Bộ, đặt quan khuyến nông, khai hoang ven biển Bắc Bộ lập thêm hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Về đối ngoại, Minh Mạng đặc biệt chú ý thần phục nhà Thanh, nhưng xa lánh các nước phương Tây do vậy đã hạn chế sự phát triển của đất nước.
        Ông cũng là người sáng tác “thế hệ hi”, cho đế nghiệp 20 đời kế tiếp (tính ra khoảng 500 năm):
Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh
Bảo, Quý, Định, Long, Tường
Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật,
Thế, Toại, Quốc, Gia, Xương.
(Miên là sán lạn; Hường là hương thơm; Ưng là xứng ý; Bửu là giá trị; Vĩnh là huy hoàng)
        Theo quy ước trên, các con trai của Minh Mạng đều mang chữ “Miên” ở tên, đời cháu là “Hường”, đời chắt là “Ưng”,… Nhưng triều Nguyễn kết thúc ở đời thứ 5 sau Minh Mạng, đó là Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại).
        Minh Mạng có rất nhiều phi tần và con cái. Ông có tới 142 người con trong đó có 78 hoàng tử và 64 công chúa. Để ông có một sức khỏe cường tráng và sinh được nhiều con như vậy thì các quan ngự y đã phải tìm cho nhà vua một phương thuốc riêng được ngâm với rượu để nhà vua dùng, đó chính là Minh Mạng thang hay rượu Minh Mạng.
        Vua Minh Mạng làm vua được 20 năm, đến thang Chạp năm Canh Tý (1/1841) nhà vua băng hà, thọ 50 tuổi.
        Cũng giống như nhiều ông vua khác sống với quan niệm “tức vị trị lăng” và “sinh ký tử quy”. Sáu năm sau khi lên ngôi, nhà vua đã cho các thầy Phong thủy giỏi nhất trong triều đi coi đất để chuẩn bị xây lăng cho mình. Tuy nhiên mãi đến 14 năm sau (1840), nhà vua mới chọn được địa điểm và đồ án kiến trúc ưng ý nhất tại vị trí hiện nay, cách Huế khoảng 12km về phía nam. Và người đã tìm ra được địa cuộc tốt lành với thế đất “đầu gối sơn, chân đạp thủy” đã được nhà vua cho thăng hai cấp là quan địa lý Lê Văn Đức.
        Lăng Minh Mạng nằm ở khu vực núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành sông Hương. Địa phận này thuộc ấp An Bằng, huyện Hương Trà.
        Tháng 4 năm 1840, vua lên thị sát địa cuộc và đổi tên vùng núi Cẩm Kê ở đó thành Hiếu Sơn. Vua sai các đại thần Trương Đăng Quế và Bùi Công Huyên đem một số người chuyên môn về đạc họa và thiết kế lên khảo sát địa thế, đo đạc đất đai. Họ vẽ toàn bộ núi đồi, khe suối, sông ngòi ở đây, và phác họa những dự kiến xây dựng La thành, điện, lầu, đình, tạ, đường, viện, hồ, ao, cầu, cửa… Xem xong, nhà vua rất đắc ý, liền ban thưởng tiền và vải cho họ.
        Tháng 9 năm 1840, triều đình huy động 3000 lính và thợ lên điều chỉnh mặt bằng khu đất và ây vòng La thành bằng gạch chung quanh kjhu vực kiến trúc. Hai đại thần Trương Đăng Quế và hà Duy Phiên thay nhau lên giám sát công trường.
        Nhưng qua đầu năng sau (20 – 1 - 1841), nhà vua băng hà, thọ 50 tuổi. Sau đó một tháng, vua Thiệu Trị cho tiếp tục việc xây lăng và sai các đại thần Tạ Quang cự, Hà Duy Phiên, Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Đường đứng ra lo liệu công tác ấy. Triều đình điều động gần 10.000 lính và thợ ở Bộ Binh và Bộ Công lên làm việc: 7 viên quản vệ, 140 viên suất đội, 7000 biền binh, hơn 2000 lại dịch và thợ thuyền các loại. Riêng binh sĩ cứ 2 tháng 1 lần được thay phiên nhau về nghỉ. Vua Thiệu Trị cũng ra lệnh cho Thự Văn Minh Điện Đại Dọc sĩ Trương Đăng Quế phải thường xuyên lên kiểm tra đôn đốc để công việc xây lăng được chu đáo.
        Trong không khí oi bức của mùa hè năm ấy (1841), tại công trường này có đến 3000 người bị bệnh kiết lỵ cùng một lúc. Nhà vua bắt Thái Y viện phải đem tất cả Y sinh và thuốc men trong Viện lên chữa cho bằng được, nếu không lành sẽ bị phạt. Ngay sau đó, bệnh dịch được dập tắt. iệc xây dựng lăng lại tiếp tục.
        Tử cung (quan tài) của vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu thành bằng đường toại đạo (đường hầm dùng để chuyển quan tài vào huyệt mộ) vào ngày 20 – 08 – 1841, và tấm bia “Thánh đức thần công” dựng ngày 25 – 01 – 1842, nhưng công việc xây lăng tẩm ở đây mãi đến năm sau (1843) mới hoàn tất theo đồ án kiến trúc từ thời Minh Mạng để lại.
        Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc quy mô, gồm khoảng 40 công trình kiến trúc lớn nhỏ, nằm trên một vùng đồi núi sông hồ thoáng mát nhìn ra phía ngã ba sông, nơi gặp nhau của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành điểm đầu của sông Hương.
        Thầy địa lý Lê Văn Đức thật tinh tường khi chọn địa cuộc đất này, vì nó vừa hợp phong thủy, vừa hợp với những yếu tố địa lý tự nhiên sẵn có ở chung quanh. Toàn bộ khu lăng giống như cơ thể con người nằm gối đầu lên một ngọn đồi cao, tứ chi xuôi duỗi ra phía ngã ba sông ấy.
        Địa bàn kiến trúc lăng tẩm ở đây có một chiều sâu hun hút: từ cửa chính của lăng là Đại Hồng Môn đến điểm sau cùng của La thành cách nhau đến 700m. Vòng La thành tuy khá cao nhưng cũng không hạn chế được tầm nhìn từ trong lăng ra đến vùng núi non đẹp đẽ ở xa xa bên ngoài. Đứng ở bất cứ chỗ nào trong lăng, chúng ta cũng có thể thấy được các công trình kiến trúc và núi đồi cây cỏ in bóng xuống mặt nước ao hồ như một bức tranh thủy mặc.
        Thưa các cô chú anh chị, ở lăng Minh Mạng các công trình kiến trúc đều được bố trí đối xứng nhau từng cặp qua trục chính xuyên tâm lăng chạy theo hướng đông – tây, chẳng hạn như Tả Hồng Môn – Hữu Hồng Môn, Tả - Hữu Tùng Tự, Tả - Hữu Tùng Viện, Đình, Tả Tùng Phòng – Hữu Tùng Phòng… Tất cả được sắp đặt theo một trật tự chặt chẽ, có hệ thống, giống như tình trạng xã hội đương thời, một xã hội được tổ chức kỷ cương theo chính sách trung ương tập quyền của chế độ quân chủ tôn sùng Nho học đến mức tối đa. Bố cục kiến trúc ấy cũng nói lên phong cách và cá tính của chính vua Minh Mạng. Bửu Thành xây theo hình tròn biểu thị vua là mặt trời cao cả, là đấng chí tôn có quyền chi phối toàn bộ xã hội ấy.
        Ở phần trước của lăng, mật độ kiến trúc thưa, thoáng. Càng vào sâu, mật độ kiến trúc càng dày. Các nhà kiến trúc thời bấy giờ đã đưa 3 khu kiến trúc ở lăng Gia Long nằm theo chiều ngang nhập thành một, cho nằm theo chiều dọc trên một trục duy nhất ở lăng Minh Mạng. Họ cũng đã khôn khéo lợi dụng được thế đất tự nhiên và các ngọn đồi sẵn có để nâng chiều cao của các công trình kiến trúc lên. Đồng thời, những hồ ao đã được bàn tay con người tạo ra như những nốt nhạc trầm để toàn bộ kiến trúc và thiên nhiên trong lăng trở thành một khúc nhạc rất phong phú về âm điệu và tiết tấu. Những cánh cửa gỗ ở Hiển Đức Môn, Hoằng Trạch Môn và Minh Lâu khi nmở, tạo ra những góc nhìn tuyệt diệu, những thú vị bất ngờ cho người đến chiêm ngưỡng. Kiến trúc, thiên nhiên và độ cao thấp của đường thần đạo (trục chính) cứ thay đổi mãi theo bước chân đi.
        Các công trình được phân bố trên ba trục lớn song song với nhau mà đường Thần Ðạo là trung tâm. Tổng thể của lăng được chia ra:
        Ðại Hồng Môn là cổng chính vào lăng. Cổng có 3 lối đi với 24 mái lô nhô cao thấp và các trang trí rất đẹp. Cổng chính chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào lăng, muốn ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng môn và Hữu Hồng môn.
        Bi đình, sau Ðại Hồng môn là sân rộng, có 2 hàng tượng quan viên, voi ngựa. Bi đình nằm trên đồi Phụng Thần Sơn, bên trong có bia "Thánh Ðức thần công" do vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha.
        Khu vực tẩm điện (nơi thờ cúng vua): đi tiếp là sân triêu lễ được chia làm 4 bậc. Mở đầu khu vực tẩm điện là Hiểu Ðức Môn; điện Sùng Ân nằm ở trung tâm thờ bài vị của vua và bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu. Hoàng Trạch môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện và ngát thơm hoa đại.
        Lầu Minh Lâu: đi tiếp qua ba cây cầu Trung Ðạo (giữa), Tả Phụ (trái), Hữu Bật (Phải) bắc qua hồ Trường Minh là đến lầu Minh Lâu (lầu sáng) xây dựng trên quả đồi có tên là Tam Ðài Sơn. Toà nhà có hình vuông, hai tầng, tám mái. Hai bên Minh Lâu về phía sau là hai trụ biểu dựng trên hai quả đồi Bình Sơn và Thành Sơn. Phía sau Minh Lâu là hai vườn hoa hình chữ Thọ đối xứng nhau qua đường Thần đạo.
        Bửu Thành (thành quanh mộ): hồ Tân Nguyệt hình trăng non ôm lấy Bửu Thành hình tròn nằm ở giữa. Qua cầu Thông Minh Chính Trực bắc qua hồ Tân Nguyệt có 333 bậc đá thanh là đến nơi yên nghỉ của nhà vua nằm giữa trung tâm quả đồi mang tên Khai Trạch Sơn được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn.
        Lăng Minh Mạng với Bi đình, Hiểu đức môn, điện Sùng Ân và Minh lâu và gần 60 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên đó là một bảo tàng thơ chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ XIX...
        Ngoài tính cách đăng đối uy nghiêm đường bệ, lăng Minh Mạng còn có những nét quyến rũ của thiên nhiên đã được chỉnh trang lại để làm bối cảnh cho các công trình kiến trúc xinh xắn.
        Các kiến trúc bậc thầy ngày nay cũng phải khâm phục trước nghệ thuật kiến trúc tuyệt diệu của lăng vua Minh Mạng, ông vua đã đưa đất nước lên đến đỉnh cao của triều Nguyễn.
(Người soạn: Trịnh Huy Cường)
Xem phần tiếp theo tại đây
 
Hotline tư vấn miễn phí 24/7:
0888.313.369
0984.247.468
0948.247.486
Email: dieuhanhdulich247@gmail.com 
 
 
 
 

Thuê xe du lịch Hotline: 0984.247.468 / 0948.247.486 - Mr.Cường

back to top