Du lịch Nam Định - phần 1

Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về
Nam Định có bến Đò Chè
Có dinh Tổng Đốc, có nghề ươm tơ (1)
Đó là khúc hát trao duyên của chàng trai Thành Nam xưa gửi cô gái phương xa tự hào về quê mình là một đô thị lớn, thủ phủ của một tỉnh quan trọng có dinh Tổng Đốc, có bến sông buôn bán sầm uất, có nghề thủ công lâu đời và phát triển.
Cũng như nhiều thành phố khác trên thế giới, Nam Định xưa cũng là một "thành phố-sông" (ville-fleuve). Sách "Nhất thống chí" chép rằng "Thành - tỉnh Nam Định ở thượng lưu địa hạt, sông ngòi bao bọc, bán buôn đông đúc, chợ búa sát nhau làm mật độ hơi lớn (2). Cách vài dặm về phía tây- bắc Thành có ngã ba sông Vị Hoàng. Đây là hạ lưu sông Nhị Hà có chỗ rất sâu. Chỗ sâu nhất đến 15 trượng, xưa vua Lê thường đóng quân ở đây".
Chẳng phải ngẫu nhiên mà thành - tỉnh Nam Định trở nên một vùng trù phú như thế. Nghiên cứu sâu trong lòng đất, các nhà địa chất cho biết rằng vùng Nam Định xưa là một vùng biển - 170 triệu năm trước nước biển còn vỗ vào vùng rừng núi Ninh Bình, dưới chân "Động người xưa" đến nay vẫn còn nhiều tầng lớp vỏ sò vỏ hến. Sau hai lần thoái biển, phù sa lắng đọng dần thành đầm lầy, rồi thành rừng rậm nguyên sinh như vùng Cúc Phương hiện nay. Cuộc biển dâu ấy diễn ra hàng triệu năm và mảnh đất Nam Hà, Ninh Bình hiện nay ra đời từ khoảng thời gian ấy. Phù sa của dòng sông Hồng và sông Thái Bình chảy ra biển tụ lại thành dòng phù sa ven bờ theo hướng đông bắc - tây nam đến đây gặp hòn Nẹ ở ngoài khơi hai huyện Kim Sơn, Nga Sơn chặn ở phía ngoài làm cho vùng biển khá yên tĩnh. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho bờ biển phát triển theo kiểu bồi tụ, từ đó phù sa bồi nhanh, hàng năm trên dưới 100m. Các cồn cát duyên hải nổi dần lên và nằm cố định chứ không tiếp tục di chuyển nữa, dần dần nằm khá sâu vào nội địa và được san phẳng đến mức khó nhận biết được sự có mặt của chúng. Thành phố Nam Định ở trên một vùng cồn cát duyên hải như thế có đất màu nâu tươi mang đặc tính phù sa sông Hồng, chủ yếu là các hạt sét và cát nhỏ và mịn.
Lễ hội Phủ Giày
Hàng năm vào thượng tuần tháng 3 âm lịch, chính hội là 3/3, du khách thập phương nô nức hành hương về với Hội Phủ Dày, nơi thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người Mẹ linh thiêng của dân tộc Việt Nam. Tục thờ Đức Thánh mẫu có ở khá nhiều nơi như Phố Cát (Thanh Hóa), Đền Sòng (Nghệ An)... Nhưng có lẽ tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (nơi Mẫu sinh) là thu hút khách thập phương hơn cả.
Du khách trảy hội Phủ Dày vừa để dự ngày giỗ Mẹ, vừa để thỏa nguyện tâm linh và được ngắm nhìn một quần thể kiến trúc lăng chùa truyền thống vô cùng độc đáo. Hội Phủ Dày thực sự hấp dẫn khách bởi sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi thức trang trọng cùng những hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc. Tiêu biểu nhất trong hội Phủ Dày là nghi lễ rước Thánh Mẫu từ phủ chính (Tiên Hương) lên chùa Gôi vào ngày 6/3. Ðám rước Thánh Mẫu dài gần 1 km, rất trang trọng có đội ngũ nhạc, có phường bát âm. Ðến ngày 7/3  sinh hoạt văn hóa "Hoa trượng hội". Ðây là nét độc đáo nhất của lễ hội. Mỗi lần xếp chữ cần khoảng 100 phu cờ, mặc đồng phục, chít khăn đỏ, áo vàng, thắt lưng xanh, quần trắng, xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy dài khoảng 2 mét. Người điều khiển gọi là tổng cờ. Vào cuộc chủ lễ xin Mẫu "ra chữ" sau đó theo nhịp trống chiêng rộn rã xếp thành những dòng chữ nho đầy ý nghĩa.
Hoà trong không khí sinh hoạt văn hóa dân gian, du khách còn được xem rước thỉnh kinh, rước kiệu bát cống long đình, xem múa rồng hội trên núi Tiên Hương.... Và khi màn đêm buông xuống, du khách sẽ được đắm mình trong những điệu Chầu văn tha thiết cùng những đèn trời được thả lung linh sắc mầu huyền ảo. Về với Hội Phủ Dày, du khách như được trở về với cội nguồn dân tộc, bởi nơi đây quy tụ rất nhiều những tinh hoa văn hóa ngàn đời của dân tộc ta. Và đó còn là một nhu cầu của vẻ đẹp tâm linh trong những ngày đầu năm mới.
Liễu Hạnh Công chúa được thờ ở rất nhiều nơi như phủ Giầy (Nam Định), phủ Tây Hồ và đền Sùng Sơn (phố Hàng Bột) ở (Hà Nội), đền Sòng và đền Phú Cát (Thanh Hóa), đền Phủ Giày (Thành phố Hồ Chí Minh),...trong đó, phủ Giầy ở Vụ Bản Nam Định là nơi quan trọng nhất. Hàng năm, đến ngày huý của bà, dân chúng đi trẩy hội rất đông, đặc biệt là ở hội Phủ Giầy vào tháng 3 âm lịch. Thành ngữ có câu: "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ", nói về ngày giỗ của hai vị được dân gian thờ cúng: "Cha" là Trần Hưng Đạo, còn "Mẹ" chính là bà Chúa Liễu.
Bà còn được tôn vinh trong hệ thống tứ bất tử. Bà thường được thờ cùng với hệ thống tam phủ, nên tạo thành tứ phủ. Mẫu Liễu Hạnh còn được thờ trong một tín ngưỡng riêng gọi là Tam Tòa Thánh Mẫu.
Truyền thuyết
Tục truyền rằng Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, tên là Quỳnh Nương. Vào thời Hậu Lê, năm 1557, vì lỡ tay làm rơi vỡ chén ngọc ở thiên đình, nên công chúa bị đày xuống trần gian, đầu thai làm con gái ông Lê Thái Công, đất Vụ Bản, Nam Ðịnh. Họ Lê đặt tên con gái là Giáng Tiên, lớn lên lấy chồng là Ðào Lang. Sau 3 năm vợ chồng chung sống, đến ngày mồng 3 tháng 3 thì Giáng Tiên bay về trời.
Nhưng vì chưa hết nợ duyên ở Hạ Giới nên nàng lại xin Ngọc Hoàng cho nàng xuống thế gian một lần nữa, và lần này là với danh hiệu là Liễu Hạnh Công Chúa.Nàng công chúa Thượng Giới đi cùng với 2 tiên nữ nữa là Quế Nương và Thụy Nương xuống ở miền Phố Cát, đất Thanh Hóa. Bà thường hiển linh giúp đỡ nhân dân, và được triều đình phong sắc là công chúa Liễu Hạnh và là Thượng đẳng Phúc thần.
Bà thường ngao du sơn thuỷ, đến các thắng cảnh của nhiều vùng. Có lần bà đã giả dạng làm một cô hàng bán rượu ở Hồ Tây (Hà Nội), để họa thơ với danh sĩ Phùng Khắc Khoan cùng hai người bạn của ông họ Ngô và Lý.
Đạo Mẫu
Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ các nữ thần (thường gọi là các Thánh Mẫu). Đạo Mẫu là một phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian và bản sắc dân tộc của Việt Nam. Đạo Mẫu được thờ tại các đền, phủ. Ở miền Bắc Việt Nam, hầu hết các chùa cũng có bàn thờ Mẫu (Tiền Phật, hậu Mẫu).
Lịch sử và phát triển đạo Mẫu
Nguồn gốc lịch sử của đạo Mẫu không được ghi lại rõ ràng trong sách vở. Có người cho rằng nó có nguồn gốc từ thời tiền sử, khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này được kết hợp lại trong khái niệm Thánh Mẫu hay Nữ thần Mẹ. Theo thời gian, khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm cả các nữ anh hùng trong dân gian - những người phụ nữ có thật nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ hoặc trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ, và cuối cùng được thần thánh hóa để thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.
Ngô Đức Thịnh [1] phân chia sự phát triển của đạo Mẫu thành các giai đoạn:
- Thờ các nữ thần thiên nhiên riêng biệt. Các nữ thần này là các tinh thần thiên nhiên và không có đặc điểm của con người, đặc biệt là đặc điểm của người mẹ.
- Thờ các Thánh Mẫu. Các nữ thần này đã có đặc điểm của người mẹ. Ví dụ Mẹ Âu Cơ, mẹ của dân tộc Việt.
- Thờ Thánh Mẫu tam phủ-tứ phủ. 3 hay 4 "Phủ" ở đây không phải là số đơn vị xây dựng như "đền", "phủ", mà là 3 hay 4 thành tố của vũ trụ: Trời (Thiên phủ), Đất (Địa phủ), Nước (Thủy phủ), Núi rừng (Nhạc phủ).
Nghi lễ thờ cúng
Các vị thần trong đạo Mẫu phản ánh các phẩm chất của một người Mẹ vừa thần thánh lại vừa con người. Đạo Mẫu không chú trọng vào cuộc sống sau khi chết, nó quan tâm đến cuộc sống hiện tại và câu hỏi làm thế nào để người ta có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ trên trần gian.
Điều đó thể hiện trong các cầu nguyện và kinh lễ. Các bài kinh lễ là các bài hát về nhiều điều mà người ta mong muốn trong cuộc sống hàng ngày: thời tiết tốt cho mùa màng, sức khỏe cho mọi người, hạnh phúc, tiền tài, v.v.. Nội dung của các bài kinh lễ đơn giản và dễ hiểu, điều này rất khác so với nội dung kinh lễ các tôn giáo khác như Phật giáo hay Kitô giáo.
Đạo Mẫu có các nghi lễ tổ chức theo Âm lịch với các tín đồ và nhiều người đi lễ tham gia. Các nghi thức hành lễ không được đào tạo chính thức mà chủ yếu được truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Nghi lễ phổ biến nhất là lên đồng (hay còn gọi là hầu bóng). Trong nghi lễ này, người ta tin rằng linh hồn của các vị thần sẽ nhập vào người lên đồng, linh hồn này được vời đến để nghe lời cầu nguyện của người đi lễ. Trong các nghi lễ, phụ nữ thường đóng vai trò chính, người lên đồng cũng thường là phụ nữ (bà đồng), đôi khi mới do nam giới đảm nhận (ông đồng).
Các giá đồng (các điệu múa linh thiêng) là một phần quan trọng của nghi lễ. Có 72 giá đồng, bao gồm giá các quan lớn, giá các cậu, giá chầu bà, giá các cô,... Trong buổi lễ, các giá đồng được biểu diễn cùng với hát văn (hay chầu văn). Hát văn là một thể loại hát nói (vừa hát vừa nói). Hát văn do người đồng biểu diễn cùng với dàn nhạc cung văn. Người ta nói rằng, chầu văn tạo nên một khung cảnh và âm nhạc tâm linh để giúp cho người đồng nhập vào vai mới và gắn kết với những con người và nơi chốn ở bên ngoài thế giới địa phương của họ.
Đạo Mẫu có hai dịp lễ hội quan trọng: "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ", kỷ niệm ngày mất của Đức thánh Trần (Cha) và Liễu Hạnh Công chúa (Mẹ). Ngoài ra, người đi lễ có thể đến các phủ đền vào các ngày mùng Một hoặc ngày Rằm (âm lịch) hàng tháng, dâng đồ cúng lễ để tạ ơn và cầu khấn.
Trảy hội chợ Viềng
Mùa xuân là mùa trảy hội, những dòng người hành hương nườm nượp đổ về chiêm bái các thánh tích, các danh lam, cổ tự trên khắp cả nước. Và, trong hành trình mang đầy ý nghĩa tâm linh ấy, du khách không thể bỏ qua lễ hội chợ Viềng, một phiên chợ độc đáo ở Việt Nam, bởi nó chính là chợ cầu may, chợ lễ hội.
Mùng tám sắm sửa đi chơi chợ Viềng 
Chợ Viềng năm có một phiên
Trai gái tốn tiền mua sắm trầu cau
Chợ Viềng thuộc địa phận xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh. Phiên chợ Viềng (Vụ Bản, Nam Ðịnh) đã trở thành một nét văn hoá độc đáo của vùng quê này. Trước đây 2 thế kỷ, chợ còn có tên là chợ chơi du xuân (du xuân thị). Tuy nhiên, bao quanh nó là cả một quần thể di tích thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - Thần chủ Ðạo Mẫu Việt Nam, nên song song với việc đi chơi chợ chính là hoạt động lễ Mẫu để Người ban cho sức khoẻ và tài lộc .
Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp có đúng một phiên thôi, một phiên chợ kéo dài từ nửa đêm mồng 7 đến sáng mồng 8 tết. Lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm, và cũng có thể là lỡ cả một đời người. Dân Nam Ðịnh đi chợ Viềng đầu năm đã đành, người tứ xứ từ Hà Nội vào, Thanh - Nghệ ra, Hải Phòng - Quảng Ninh lên, ai cũng cố đi chợ Viềng một lần để mong có lộc cho cả năm buôn may bán đắt; để chơi, để kiếm món đồ có giá hời, thậm chí chỉ để lấy tiếng là đã đi chợ Viềng.
Chợ là hai dãy quán chủ yếu là tre, nứa dựng tạm ở bên lề đường, chạy dài suốt 5km với đầy đủ sắc màu. Chợ cũng bày bán đủ mọi thứ hàng hoá, nhưng điều đặc biệt ở đây là cả người bán lẫn người mua đều không đặt mục đích lợi ích kinh tế lên trên hết. Ðến chợ Viếng vào xuân, mục đích chính là để cầu mong phát tài phát lộc. Ðó chính là lợi ích tinh thần, chỉ cần tham dự chợ là đã được xem là có may mắn trong cả năm.                
Tiếng là chợ nhưng ở đây người ta không mua, bán những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép... càng không phải là các thứ hàng cao cấp, xa xỉ. Chúng đơn giản chỉ là những sản phẩm mang tính chất phục vụ sản xuất tiểu nông như cái cày, cái cuốc, cái dao, cái liềm, cái thúng, cái mủng... hoặc là một số giống cây trồng, vật nuôi như cây chanh, cây ớt, các loại cây cảnh, cây ăn trái... bạn cũng có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng...
Những người buôn bán ở các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình cũng cơm nắm cơm đùm đi từ sáng sớm để kịp buổi chợ. Những người ở tỉnh xa hơn như Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang phải đến từ chiều hôm trước tìm nhà nghỉ trọ. Suốt cả vùng từ đêm trước phiên chợ ánh điện chan hoà. Những người buôn bán đến Viềng dù xa hay gần, thuận lợi hay cách trở, đến đây mọi người đều mang thứ đặc sản của quê hương mình tham gia phiên chợ.
Chợ Viềng dù chỉ một ngày phiên nhưng hàng hóa thì ngàn vạn, quán ăn hàng quà rải suối ba cây số. Dân trong vùng và xung quanh mang các thứ cần dùng cho đời sống, công việc và học tập của con cháu hàng ngày để mua, bán, trao đổi. Từ các loại cuốc, xẻng đến bát, đĩa, rổ, rá, áo quần, giầy dép cho tới quyển sách, cái bút tồi cây kim, sợi chỉ càng có mặt trong ngày phiên chợ. Trong chợ còn có bán cả các sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng của từng vùng như rau cần Thiệu Vịnh, bồ, đó Văn Tập, vó lưới Bồng Làng. Chợ còn l2 nơi bán các loại đồ dùng cũ, ai đến chợ cũng phải mang một vài thứ gì đó, từ một chiếc nồi cũ hay một chiếc cuốc để mòn đều có thể đem bày bán.
Bên cạnh những món hàng truyền thống vài chục năm gần đây chợ còn bán cây giống lấy gỗ như bạch đàn, phi lao, xà cừ, cây giống ăn quả như vải thiều, nhãn Hưng Yên, táo Thiện Phiến. Phiên chợ mà người bán không cần bán đắt, người mua chẳng thiết tha lắm với giá rẻ, đắt, chỉ cần " bán", " mua" lấy được cho phát tài quanh năm. Chợ còn là nơi giới thiệu làng nghề, tay nghề ở những vùng quanh đó. Nhiều đôi nam thanh nữ tú tay trong tay vãn cảnh chợ Viềng, cầu mong cho hạnh phúc lứa đôi. Hội chợ Viềng đầu xuân thật vui vẻ nhộn nhịp với tiếng chiêng, trồng hòa lẫn với tiếng gò mâm, gò nồi, hàng búa thợ rèn cùng với âm thanh của hàng ngàn, hàng vạn người mua, kẻ bán, người xem đã tạo nên thứ âm thanh ồn ào, rất đặc trưng của phiên chợ Viềng xuân.               
Nếu nói đến chợ Viềng mà chỉ nói đến những thứ vừa nêu trên thì chưa thật đầy đủ, vì điểm nổi bật và gây ấn tượng nhất đối với mỗi du khách chính là những miếng thịt bê được thui vàng ruộm. Hẳn chẳng cần phải tinh ý cũng nhận thấy dọc hai bên đường đi vào chợ có rất nhiều những phản thịt bê đầy ăm ắp. Người ta quan niệm đi chợ Viềng mà không mua bán một thứ gì đó cũng như không có một miếng thịt bê mang về lấy lộc thì coi như chưa đến chợ Viềng, chưa được may mắn. Phải chăng cũng chính vì mang ý nghĩa tâm linh ấy nên hầu như mọi hoạt động trong chợ đều diễn ra theo kiểu "nói sao, mua vậy". Nghĩa là, người bán không cần nói thách và người mua cũng chẳng phải mặc cả, bởi người xưa cho rằng nếu còn chút gì đó "băn khoăn" về giá cả thì sẽ làm mất hết lòng thành kính và sự tôn nghiêm.
Chợ Viềng họp vào ngày mùng 8 tháng Giêng, nhưng trước đó, từ chiều tối mùng 7, hàng chục vạn khách phương xa, đặc biệt là những người bán hàng đã tề tựu đông đủ, chuẩn bị cho một phiên chợ cầu may ngày xuân.
Trong khi chúng ta đang cùng nhau "xây dựng và phát triển một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" như Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII đề ra thì việc duy trì và tổ chức thường xuyên những lễ hội truyền thống như hội chợ Viềng là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa tính lành mạnh của các hoạt động lễ hội, Ban tổ chức cũng nên có nhiều biện pháp cứng rắn và kiên quyết hơn nhằm loại bỏ việc bày bán các văn hoá phẩm mang tính mê tín dị đoan như sách tử vi, tướng số; hiện tượng xem tướng, bói toán, lên đồng... và tình trạng mất an ninh trật tự trong ngày hội. Làm được điều này thì ý nghĩa tốt đẹp của những lễ hội sẽ càng được nâng lên và để lại những ấn tượng sâu sắc đối với du khách.
Nam Định - Nơi lưu giữ dấu vết kinh đô thứ 2 nhà Trần.
Di tích cung Trùng Hoa - một trong hai cung điện lớn nhất của Hành cung Thiên Trường đời Trần vừa được phát lộ trong cuộc khai quật khảo cổ học tại cánh đồng giữa đền Trần và chùa Tháp (thôn Tức Mặc - phường Lộc Vượng – thành phố Nam Định).
Cuộc khai quật do Viện Khảo cổ học VN chủ trì và Bảo tàng Nam Định phối hợp thực hiện, được tiến hành từ tháng 11.2006 và vẫn đang được tiếp tục trên diện tích lên tới hơn 2.000m2, với khoảng 30 hố khai quật. “Di vật xuất hiện dày đặc, số lượng đã tới hàng chục vạn” - một chuyên gia khảo cổ học cho biết.
Đặc biệt, tại 3 hố khai quật thăm dò phía tây đền Trần đều phát hiện dấu vết của các di tích kiến trúc thời Trần, điển hình như hệ thống cống thoát nước bằng đất nung, móng trụ cột, gạch lát nền, gạch chữ nhật có khắc chữ Hán “Vĩnh Ninh Trường”, các vật liệu trang trí như đá tảng, sỏi đá nhẵn, ngói mũi sen, lá đề chạm rồng phượng.                            
Đã phát hiện khoảng gần 10 ô vuông nhỏ xếp gạch ngói, theo phỏng đoán bước đầu thì  có thể là dấu vết của vườn hoa cây cảnh. Ngoài vật liệu xây dựng, còn lại hầu hết là đồ gia dụng bằng sành và gốm men... Đặc biệt có một số bát men ngọc và men trắng vẽ hoa văn hoa sen và hoa mẫu đơn rất tinh tế. Tất cả đều điển hình cho phong cách thời Trần.
“Kinh đô thứ hai”.
Theo sử sách, từ thời Trần bắt đầu có chế độ thái thượng hoàng. Các vua cha thường ở độ tuổi tứ tuần nhường ngôi cho một người con có tài có đức nhất, bất kể là trưởng thứ, nhưng thái thượng hoàng trên thực tế vẫn quyết định những việc quan trọng, tiếp tục rèn cặp vị vua đương quyền. Những vị vua đầu tiên của vương triều Trần sau khi nhường ngôi cho con đều trở về nghỉ ngơi ở quê nhà Tức Mặc, nên nơi đây từng được coi là “kinh đô thứ hai” của nhà Trần.
Tức Mặc là mảnh đất dấy nghiệp của vương triều Trần nên từ năm 1239, nhà vua đã cho dựng một cung điện ở đây để ở mỗi khi về thăm. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đã đưa toàn bộ hoàng tộc về sơ tán. Đến năm Nhâm Tuất (1262), nhà Trần đã cho mở rộng quy mô xây dựng thành Hành cung Thiên Trường, với thủ phủ là Tức Mặc. Trong đó, 2 cung điện lớn nhất là cung Trùng Quang (nơi thượng hoàng về ngự) và cung Trùng Hoa (nơi các vua Trần về chầu). Căn cứ theo sử sách và tư liệu khai quật khảo cổ học thì khu đền Trần được xây dựng trên nền cũ của 2 cung điện quan trọng nhất này. 
Theo một giáo sư khảo cổ học, mặc dù cuộc khai quật vẫn chưa kết thúc, nhưng với những di vật, di tích đã xuất lộ, ta có thể phỏng đoán hầu như chắc chắn đây là Cung điện Trùng Hoa. Cuéc khai quËt nµy sÏ ®­a ra nh÷ng th«ng tin quan träng vÒ diÖn m¹o cña Hµnh Cung Thiªn Tr­êng.
Ông Nguyễn Anh Thư - Giám đốc Bảo tàng Nam Định - cho biết, cuộc khai quật này nằm trong dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử, văn hoá thời Trần tại Nam Định đến năm 2015 đã được Chính phủ phê duyệt. Vị trí đang khai quật dự định sẽ là nơi xây Quảng trường Đông A và một số kiến trúc hạ tầng khác. Vậy, việc phát hiện ra khu di tích này có ảnh hưởng gì đến dự án xây dựng này không?
Trả lời câu hỏi này của phóng viên LĐ, TS Nguyễn Xuân Năm - Giám đốc Sở VHTT Nam Định - khẳng định: “Ngoại trừ những chỗ phát hiện di tích kiến trúc thật đậm đặc thì Sở VHTT Nam Định sẽ kiến nghị giữ lại, còn nếu không dự án xây dựng vẫn sẽ tiến hành bình thường”.
Bảo tàng Nam §ịnh
Ngày 25/12, tỉnh Nam Định đã khởi công xây dựng Bảo tàng Nam Định với quy mô lớn, hiện đại tại đường Cột Cờ, phường Ngô Quyền, thành phố Nam Định. 
Công trình có tổng diện tích 9.503 m2, trong đó phần xây dựng là 5.250 m2. Với tổng kinh phí đầu tư 35 tỷ đồng, công trình bao gồm 3 hạng mục chính: nhà trưng bày 3 tầng, tháp lưu niệm và nhà làm việc. Công trình được xây dựng tại vị trí giao thông thuận lợi, gần trung tâm thành phố, có cảnh quan không gian đẹp và có thể kết nối với các công trình văn hóa khác trong khu vực để phát huy tác dụng. Kiến trúc của công trình vừa mang tính hiện đại vừa thể hiện những nét đặc trưng truyền thống lịch sử- văn hoá của Nam Định. Công trình được thiết kế đáp ứng các yêu cầu về trưng bày, bảo quản và giới thiệu tiềm năng di sản văn hoá của địa phương. Trong đó, trọng tâm là các di sản văn hoá thời Trần, các tư liệu lịch sử kháng chiến, những sự kiện lịch sử tiêu biểu. Bảo tàng còn có các kho chuyên dụng để bảo vệ các hiện vật gốc. Ngoài trưng bày trong nhà, phần sân, vườn sẽ trưng bày những hiện vật có kích thước, trọng lượng lớn, các mảng kiến trúc cổ, các tượng linh vật nhằm phản ánh sự phong phú đa dạng về di sản văn hoá của Nam Định.
Công trình do Văn phòng tư vấn chuyển giao công nghệ xây dựng, trường Đại học xây dựng tư vấn thiết kế và Công ty cổ phần xây dựng Thành Công (Hud-Tasco) là đơn vị thi công. Dự kiến đến hết năm 2008, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng
Nghề dệt lụa
Hầu như vùng nào của Nam Định cũng có nghề dệt. Sách Đại Nam nhất thống chí chép về tỉnh Nam Định: “Trong toàn hạt sĩ nông có nhiều mà công thương cũng nhiều. Phụ nữ làm nghề chăn tằm dệt vải”. Dệt có nhiều loại: Dệt lụa gắn liền với nghề trồng dâu nuôi tằm. Như đã đề cập vùng đất Nam Định phù hợp với cây dâu, thuận lợi cho việc phát triển nghề trồng dâu tằm làm lụa, dệt vải, dệt chiếu...Anuôi tằm cung cấp nguyên liệu cho nghề dệt lụa.
Dệt vải gắn với nghề trồng bông. Theo tài liệu giữa thế kỷ XIX, Nam Định cùng với Hưng Yên là hai địa phương có nghề trồng bông phát triển. Bông chủ yếu cung cấp cho nghề dệt vải, ngoài ra còn cung cấp nguyên liệu cho nghề ép dầu nam dùng thắp sáng.
Vùng Quần Anh (Hải Hậu) xưa có nghề dệt lụa nổi tiếng. Lụa Quần Anh đẹp nổi tiếng, đã trở thành quen thuộc với cư dân vùng duyên hải, và nói chung cả tỉnh Nam Định. Trong sách Quần Phương nông tuế khảo soạn vào đầu thế kỷ XX, Trần Duy Vôn cho biết: “Phụ nữ Quần Phương không quen nghề làm ruộng như cầy, bừa, gặt hái khó nhọc, chỉ biết tới mùa thì vò đạp, rê sẩy thôi, nên nhiều người làm nghề dệt lụa”. Người dân nơi đây rất có kinh nghiệm trong việc nuôi tằm.
Ngoài vùng Quần Anh, nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa còn có ở các làng Thuận An, Ngọc Cục (thuộc tổng Hành Thiện), Lạc Nghiệp (thuộc tổng Trà Lũ) huyện Giao Thủy, nay đều thuộc huyện Xuân Trường...Hay chuyện về ươm tơ như thôn Đông Thượng, xã Bách Tính, xã Quy Phú (đều thuộc tổng Cổ Nông), nay thuộc huyện Nam Trực.                          
Cuối thế kỷ XIX, trên cơ sở nghề trồng bông dệt vải truyền thống, đặc biệt là khả năng cung cấp nguyên liệu của Nam Định và các tỉnh lân cận, thực dân Pháp đã cho xây dựng tại thành phố Nam Định nhà máy dệt sớm nhất Bắc Kỳ, rồi dần dần phát triển thành trung tâm dệt lớn nhất miền Bắc./.
Làng nghề sơn mài Cát Đằng
Nói đến làng quê từng có sản phẩm sơn mài nổi tiếng nhất miền Bắc phải nói đến làng quê sơn mài Cát Đằng ở xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, Nam Định) - một làng nghề có bề dày lịch sử rất lâu đời
Người ta nói rằng, các đồ sơn mài vẫn dùng để trang trí nội, ngoại thất trong các lăng tẩm, các cung đình xưa ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội… chủ yếu là do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Cát Đằng làm ra
Cát Đằng nằm trên vùng đất kẹp giữa hai trục đường bộ và đường sắt xuyên Việt. Theo sử sách ghi lại, nghề sơn mài làng Cát Đằng có từ khoảng thể kỷ 11, do hai ông tên là Ngô Dũng và Đinh Ba (từng làm quan trong triều thời vua Đinh) đến làng ở và truyền dạy nghề cho trai tráng trong làng. Ngày giỗ ông Tổ nghề được tổ chức linh đình vào rằm tháng giêng hàng năm.
Cũng như các làng quê Việt Nam khác, Cát Đằng cũng đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng nghề sơn mài ở đây vẫn được gìn giữ và ngày một phát triển. Trước đây, người ta vẫn thấy hàng sơn mài chỉ được làm trên những tấm gỗ đã được chọn lựa rất kỹ, thì nay, người Cát Đằng đã sáng tạo thêm những sản phẩm từ việc chắp nứa rồi đem sơn mài. So với gỗ, loại mặt hàng này vừa nhẹ, giá rẻ hơn, chất lượng đảm bảo, thu hút được nhiều khách hàng và chủ yếu để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Tất nhiên, để có được sản phẩm chắp nứa sơn mài sớm "nổi danh" như thế cũng không phải đơn giản. Ngay từ việc chọn mua nứa, người thợ cũng đem về phải mang ngâm dưới nước ít nhất là 6 tháng để sản phẩm sau này không bị mối mọt, có độ bền lâu. Sau đó, đến khâu pha nứa, pha nan, vót và đánh bóng nan rồi người ta để nghiêng nan cẩn thận uốn chặt theo hình khuôn, rồi quết một lớp keo được pha chế bằng tạp chất sao cho không còn kẽ hở giữa các vòng nứa rồi mới đem mài miết đến khi sản phẩm nhẵn bóng và đạt được độ mỏng cần thiết mới thôi. Trước đây, riêng khâu mài phải làm bằng thủ công, thường mất ít nhất 3 tháng mới xong một sản phẩm như bình hoa, chậu cảnh, còn bây giờ đã có máy móc hiện đại, nên chi mất vài ba ngày hoặc một tuần là xong. Đặc biệt không được dùng nan cật, vì sản phẩm sẽ không đảm bảo độ bền, dẻo vốn có. Đến đây coi như khâu sơ chế thô đã hoàn thành. Những sản phẩm ấy tiếp tục được chuyển đến tay các nghệ nhân trang trí thêm đủ kiểu hoa văn cách điệu, pha màu rồi phun sơn thật đều lên sản phẩm. Theo như nhiều nghệ nhân trong làng, thì khâu pha chế và phun sơn là khó nhất. Bí quyết của làng nghề cũng được giữ kín ở đây, nếu không phải là trai làng thì không được truyền dạy. Đã có nhiều người ở nơi khác đến Cát Đằng học nghề nhưng họ vẫn không thể biết bí quyết pha trộn sơn, hay sản phẩm vừa được phun sơn bỗng gặp trời mưa thì phải xử lý thế nào để sơn không bị bay mất màu, đành phải chờ nắng rồi đem sơn lại, còn người Cát Đằng lại có thể giữ nguyên màu sơn ở bất cứ thời điểm hay hoàn cảnh nào. Nhiều nghệ nhân của làng đã ra các tỉnh ngoài để làm và mở các lớp dạy nghề sơn mài ở khắp nơi. Dù đi đâu, họ cũng sớm khẳng định sự tài hoa, khéo léo của nghệ nhân Cát Đằng.
Làng hoa Vỵ Khê: xã Điền Xá, huyện Nam Trực
Nghề trồng hoa xuất hiện từ cuối thời Lý, phát triển mạnh dưới thời Trần và ngày nay nghề trồng hoa, uốn tỉa cây cảnh ở Vỵ Khê đã phát triển sang nhiều xã, trở thành một nguồn thu lớn của địa phương.
Theo thần tích và truyền thuyết ở địa phương thì ông tổ nghề trồng hoa là Tô Trung Tự. Tô Trung Tự là cậu vợ của Lý Huệ Tông đến Nguyễn Gia Trang (nay là thôn Vỵ Khê, xã Điền Xá), thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đồng màu mỡ, dân cư thuần phác, ông đã cho lập hành cung làm nơi đi lại. Tại đây, ngoài việc khuyến khích sản xuất mở rộng nghề nông, ông còn dạy dân địa phương trồng hoa, trồng cây cảnh để làm kế sinh sống lâu dài.
Nhà Trần lên ngôi vào năm 1225, đã xây dựng cung Tức Mạc thành trung tâm chính trị - văn hóa lớn thứ hai sau Thăng Long. Làng hoa Vỵ Khê lúc đó có tên là Nguyễn Gia Trang có điều kiện phát triển để phục vụ cho nhu cầu của cung đình. Sang đến giữa thế kỷ XV, làng hoa vẫn liên tục phát triển.
Có thể nói, Vỵ Khê là làng quất nguyên thủy của Việt Nam và quất Vỵ Khê nổi tiếng khắp cả nước. Vỵ Khê còn là quê hương của nhiều giống hoa như bạch đào, phong lan, địa lan, bạch trà, hồng trà, đỗ quyên, hải đường...cùng hàng trăm các giống hoa khác như thược dược, lay ơn, đồng tiền. Hoa ngâu dùng làm hương liệu ướp chè được trồng rất nhiều, nên ở đây không chỉ có vườn ngâu, những bờ dậu ngâu, những vòm cổng bằng ngâu xanh biếc.
Cây thế cũng là thế mạnh của làng Vỵ Khê. Cây cảnh ở đây được uốn lượn thành những đôi rồng (long hạ), rồng bay (thăng long), hình Chùa Một Cột, Chùa Tháp...và nhiều thế cây đẹp./.
Làng rèn Vân Chàng (xã Nam Giang, huyện Nam Trực)
Khi đó làng có 15 cụ tổ thuộc 15 dòng họ gồm Đoàn, Trần, Vũ, Nguyễn, Đỗ, Ngô... được sáu ông thầy từ nơi khác đến truyền dạy. Để ghi nhớ công lao, quê hương Vân Chàng đã tôn sáu ông thầy dạy nghề là Lục vị Thánh sư, lập đền thờ làm Thành hoàng của làng
Thời xa xưa Vân Chàng chỉ sản xuất được một số mặt hàng đơn điệu mang tính thủ công như dao, kéo, bản lề, đinh, ốc vít, bếp kiềng, cuốc xẻng, răng cào... Mấy chục năm trở lại đây, làng nghề Vân Chàng từng bước phát triển. Sản phẩm của họ một phần đã được cơ giới hóa với kỹ nghệ tinh xảo, mẫu mã đẹp đạt độ bền cao trong sử dụng, nhất là các phụ tùng xe đạp. Chính nhờ những mặt hàng này, trên chục năm trước hai hợp tác xã Tân Tiến và Tiền Tiến của đại phương trở thành đơn vị tiên tiến xuất sắc trong ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.
Do cơ chế thị trường, hai hợp tác xã cơ khí đã giải thể, song nghề cơ khí ở Vân Chàng lại phát triển chưa từng có. 95% số hộ trong làng vẫn tâm huyết với nghề; 2/3 số hộ, cơ sở sản xuất có trang bị máy móc. Tổng giá trị máy móc của Vân Chàng tiêu thụ 40 đến 45 tấn phế liệu cả kim loại lẫn than, thu hút 1.000 đến 1.200 lao động từ khắp nơi đổ về. Máy móc đưa vào sản xuất ngày một nhiều, làm cho mặt hàng của Vân Chàng ngày một phong phú, tân tiến. Riêng kéo đã có mấy chục loại, chất lượng tốt. Mối máy thụt, máy đùn, máy nặn ở Vân Chàng một ngày có thể sản xuất 150 ấm hoặc xoong nhôm, 100 đôi vành hoặc chắn bùn, 200-300 pêđan, 400-500 chân chống xe đạp. Mọi phế liệu được chuyển về Vân Chàng, đều trở thành đồ vật hữu ích, đạt hiệu quả sử dụng cao. Ngày ngày, hàng của Vân Chàng đi khắp nơi trong nước, sang cả Lào, Campuchia.
Hiện Vân Chàng có khoảng 200 hộ, thu nhập mỗi ngày 120 – 150 nghìn đồng. Vân Chàng không thiếu người giỏi tay nghề và hầu hết những tay nghề giỏi đều có nhà xưởng sản xuất với quy mô từ bốn, năm đến bẩy, tám công nhân. Nhờ thế đời sống người dân Vân Chàng luôn tăng trưởng, nhà cửa xây cất khang trang, trong đó có 40% là cao tầng, 90% số hộ có xe máy, ti vi màu, không còn hộ nghèo. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa cao ráo sạch sẽ. Làng đã có bốn trạm điện, tổng công suốt 2.000KVA, khoảng 400 máy móc lớn nhỏ, hàng tháng tiêu thụ hàng nghìn tấn phế liệu kim loại. Đời sống ở đây đang đi lên từ nghè rèn truyền thống.
Làng có 80 cửa hàng dịch vụ đời sống, một chợ họp chiều, thường ngày lương thực, thực phẩm tiêu thụ hàng tấn. Bởi vậy người Vân Chàng đi tới đâu làm giàu tới đó. Tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, có cả một làng Vân Chàng trên 300 hộ, không ít người có vốn lên đến hàng tỷ đồng. Họ liên doanh với nhiều nơi ở trong nước và cả với người nước ngoài như Đài Loan, Thái Lan, Singapo./.
Nguyễn Bính (1918-1966)
Theo tài liệu được Hội Nhà Văn ở Hà Nội công bố về tiểu sử của ông: thuở nhỏ Nguyễn Bính không được đi học ở nhà truờng mà chỉ đuợc học ở nhà với cha là ông đồ nho Nguyễn Đạo Bình và đồng thời cũng được người cậu ruột là Bùi Trinh Khiêm dạy kèm. Ông mồ côi mẹ rất sớm, gia đình túng quẫn, nên khi lên 10 tuổi đã phải theo anh ruột là Nguyễn Mạnh Phác ra Hà Nội sinh sống. Thời gian này ông được người anh dạy học ở nhà... Những năm đầu thập niên 40, Nguyễn Bính nhiều lần lưu lạc vào Miền Nam. Lúc này ông đổi tên là Nguyễn Bính Thuyết. Năm 1943, Nguyễn Bính lại đi vào Miền Nam lần thứ ba và đã gặp Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ Độ Về Đây...
"Từ độ về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những thằng bất nghiã xin đừng tới
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu."
(Từ Độ Về Đây - 1943).
Năm 1947, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống Pháp ở Miền Nam. Đến 
Năm 1954, khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Nguyễn Bính tập kết về Bắc năm 1955 và được bố trí phục vụ trong Hội Nhà văn ở Hà Nội một thời gian. 
Năm 1956, Ông được giao nhiệm vụ phụ trách tờ TRĂM HOA (nguyên văn trong tài liệu của Hội Nhà văn); Đến năm 1958, Nguyễn Bính chuyển về tỉnh nhà Nam Định và phục vụ trong Ty Văn Hoá Nam Định cho đến ngày ông từ giã cõi đờị.
Nguyễn Bính chết ngày 20-1-1966, những ngày cuối năm Ất Tị; Suốt 30 năm sinh hoạt văn nghệ, nhà thơ đã sáng tác nhiều thể loại như làm thơ, viết kịch, truyện thợ.. Ông sáng tác rất mạnh, viết rất đều và sống hết mình cho sự nghiệp thi cạ Ông đã xuất bản được 20 tác phẩm đủ loại.                                          
Trần Nhật Duật
Trần Nhật Duật là con thứ 6 của Trần Thái Tông, sinh tháng 4 năm Ất Mão (1255) tại hoàng cung Thăng Long. 30 năm sau, tháng 4 năm Ất Dậu, ông trở thành người anh hùng trong trận Hàm Tử nổi tiếng.
Sử cũ truyền rằng, khi ông sinh ra, ở cánh tay có chữ ''Chiêu Văn đồng tử'', Nhà vua bèn lấy chữ đó đặt tên hiệu cho ông. Lúc lớn lên, ông rất thông minh, có tiếng là người học rộng, hiểu biết nhiều lĩnh vực tri thức                                   .
        Những văn thư của triều đình phần nhiều do ông thảo. Vua Anh Tông có hai mũ võ, tức là mũ để đội trong khi duyệt giảng võ mà chưa biết đặt tên là gì. Khi Anh Tông đi đánh Chiêm Thành, định đội để đi, sai Trần Nhật Duật đặt tên, ông bèn đặt một cái là Uy Vũ, một cái là Uy Đức. Những tiết tấu âm nhạc, khúc điệu múa hát đều do ông làm ra. Tiếc rằng những sáng tác âm nhạc của ông đều không còn đến ngày nay.
        Ông thông hiểu tiếng nói và phong tục của nhiều dân tộc trong và ngoài nước. Người nước ngoài đến kinh đô, nếu là người Tống ông ngồi ghế đối diện đàm luận cả ngày; là người Chiêm hay các dân tộc khác thì tùy theo quốc tục của họ mà tiếp đãi. Sứ của nước Sách Mã Tích (không rõ nay là nước nào) sang cống, không tìm được người thông dịch, duy chỉ có ông dịch được. Mỗi khi tiếp sứ Nguyên, ông đều nói chuyện trực tiếp, không mượn người phiên dịch. Sứ giả tưởng ông là người Chân Định (Trung Quốc) sang làm quan Đại Việt. Trần Nhân Tôn (cháu của Trần Nhật Duật) thường nói: ''chú Chiêu Văn có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc nên nói được tiếng các nước''.                                       
Năm Canh Thìn (1380), thổ tù ở đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật tụ tập đồ đảng cướp bóc dân chúng. Bấy giờ, Trần Nhật Duật trông coi đạo Đà Giang, lĩnh mệnh triều đình đến dụ hàng. Giác Mật nghe tin, cho người đến nói: "Mật không dám trái lệnh. Nếu ân chúa đi ngựa một mình đến thì Mật xin hàng''. Ông nhận lời, chỉ đem theo vài tiểu đồng đi theo đến trại Mật. Ông dùng tiếng nói của họ để đối đáp, lại cùng với Mật ăn bằng tay, uống bằng mũi. Mật thích lắm, đem gia thuộc xin hàng. Mọi người đều thỏa dạ và kính phục Trần Nhật Duật, không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang.
Năm Ất Dậu(1285), quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Trần nhật Duật bấy giờ đang trấn thủ Tuyên Quang. Trước thế mạnh của quân giặc từ Vân Nam xuống tiến đánh quân Đại Việt ở trại Thu Vật, Tuyên Quang, ông đã thực hiện cuộc rút lui chiến lược theo con đường từ Yên Bình về Bạch Hạc rồi vượt qua vùng các dân tộc thiểu số rút về chỗ vua Trần đóng quân.
Cuối tháng 4 năm ấy, ông lập chiến công vang dội ở trận Hàm Tử. Giặc bị thiệt hại nặng, bỏ chạy tan tác. Chép về trận này, cuốn Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng "công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả''.
Năm Nhâm Dần(1302), vua Trần Anh Tông phong Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật làm Thái úy Quốc công cùng vua trông coi việc nước. Đến đời Minh Tông năm Giáp Tý (1324) phong thành Thái sư, năm Kỷ tỵ (1329) lại vương.
Ông là người làm việc giỏi, ngay thẳng. Vợ ông là Trinh có lần nhờ ông một việc riêng. Ông gật đầu, nhưng đến khi ra phủ, người thư ký đem việc ấy ra trình, ông không cho. Trần Nhật Duật là người nhã nhặn, độ lượng, khoan dung, mừng giận không lộ ra sắc mặt. Trong nhà không chứa roi vọt để đánh gia nô. Một lần có kẻ kiện gia tỳ của ông với Quốc phủ (tức Trần Quốc Tuấn). Quốc phủ sai người đến bắt. Người gia tỳ chạy vào trong phủ. Người đi bắt đuổi đến giữa nhà, bắt trói ầm ỹ. Phu nhân khóc, nói: ''Ông là tể tướng mà Bình chương cũng là tể tướng, chỉ vì ông nhu quá nên người ta mới khinh rẻ đến thế". Ông vẫn tự nhiên, chẳng nói gì, sai người bảo gia tỳ rằng: "Mày cứ ra, đâu đâu cũng đều có phép nước ''.
Ông mất năm Canh Ngọ (1330) đời Trần Hiến Tông, thọ 77 tuổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với chặng đường vinh quang nhất của triều Trần
Trần Quang Khải (1241-1294)
Trần Quang Khải là nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ lớn của dân tộc. Ông từng nắm giữ những cương vị chủ chốt trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288).
Chiến công giải phóng kinh đô Thăng Long của ông năm 1285 được sử sách ca ngợi "là chiến công to nhất lúc bấy giờ". Những bài thơ còn lại trong tập Lạc đạo của ông cho thấy một hồn thơ bình dị, khoáng đạt, "thanh thoát", "nhàn nhã" mà "sâu xa, lý thú".
Trần Quang Khải sinh năm 1240, mất năm 1294, là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông.
Dưới triều Trần Thánh Tông (1258 - 1278). Trần Quang Khải được phong tước Chiêu minh đại vương. Năm 1274, ông được giao giữ chức Tướng quốc Thái úy. Năm 1282, dưới triều Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải được cử làm Thượng tướng Thái sư, nắm giữ quyền nội chính. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt thứ hai, sau Trần Quốc Tuấn, có nhiều công lao lớn trên chiến trường.
Trong sự nghiệp quân sự của Thượng tướng Trần Quang Khải, thì trận ông chỉ huy đánh tan quân Nguyên ở Chương Dương và Thăng Long, khôi phục kinh thành vào cuối tháng 5-1285 "là chiến công to nhất lúc bấy giờ", như sử sách từng ca ngợi.
Trần Quang Khải còn là một nhà ngoại giao giỏi. Năm 1281, khi nhà Nguyên chuẩn bị xâm lược Việt Nam lần thứ hai, chúng cho Sài Thung đem 1.000 quân đưa bọn Trần Dĩ ái về nước. Khi tới biên giới, quân Nguyên bị nhà Trần phục đánh. Trần Dĩ ái bỏ chạy. Sài Thung được "rước" về Thăng Long để dùng vào kế hoãn binh để có thêm thời gian chuẩn bị đối phó với giặc. Lúc Sài Thung về Trung Quốc, Trần Quang Khải làm bài thơ tiễn tặng rất thân, nhã, đoạn kết có câu viết:
Vị thẩm hà thời trùng đỗ diện,
Ân cần ác thủ tự huyên lương.
(Chưa biết ngày nào lại cùng gặp mặt,
Để ân cần nắm tay nhau hàn huyên).
Đối với viên sứ giả hống hách của một nước sắp tràn quân sang xâm lược, thái độ Trần Quang Khải vẫn ung dung, niềm nở như vậy, đó cũng thể hiện một nghệ thuật ngoại giao khôn khéo của ông và con người Việt Nam thời ấy.
Trong văn học sử Việt Nam, Trần Quang Khải là một nhà thơ có vị trí không nhỏ. Thơ ông sáng tác có tập Lạc đạo, nay đã thất truyền, chỉ còn lưu được một số bài. Là một vị tướng cầm quân xông pha khắp trận mạc đánh giặc, song thơ ông lại "thanh thoát, nhàn nhã", "sâu xa, lý thú" (Phan Huy Chú). ấy cũng là cốt cách phong thái của các vua Trần, của người Việt Nam ngàn đời nay. Hãy đọc bản dịch bài thơ Vườn Phúc Hưng của Trần Quang Khải để thấy rõ hơn tâm hồn ông:
Phúc Hưng một khoảnh nước bao quanh
Vài mẫu vườn quê đất rộng thênh,
Hết tuyết chòm mai hoa trắng xóa,
Quang mây đỉnh trúc sắc tươi xanh,
Nắng lên mời khách pha trà nhấp,
Mưa lạnh sai đồng dỡ thuốc nhanh,
Báo giặc ải Nam không khói lửa,
Bên giường một giấc ngủ êm lành.
(Theo Hoàng Việt thi văn tuyển).
Tâm hồn Trần Quang Khải vừa thoáng đạt, vừa gần gũi, gắn bó với cuộc sống bình dị của đất nước và con người:
Nhất thanh ngưu địch thanh lâu nguyệt
Kỷ phiến nông soa bích lũng vân.
(Tiếng sáo mục đồng dưới ánh trăng bên lầu xanh,
Mấy chiếc áo tơi dưới mây trên ruộng biếc)
(Chùa Dã Thự).
Cuộc đời Trần Quang Khải là một cuộc đời sung mãn, khí phách dọc ngang. Vào tuổi 50, Trần Quang Khải vẫn còn viết những câu thơ đầy khát vọng anh hùng:
Linh bình đởm khí luân khuân tại,
Giải đảo đông phong phú nhất thi.
(Chí khí dũng cảm lúc còn trẻ vẫn ngang tàng, hăng hái. Muốn quật ngã ngọn gió đông, ngâm vang một bài thơ).
Ngoài bài Tụng giá hoàn kinh sứ, Lưu Gia độ (Bến đò Lưu Gia) cũng là một bài thơ nổi tiếng của Trần Quang Khải, có thể xếp vào trong số những bài thơ hay của thơ cổ Việt Nam.
Lưu Gia độ khẩu thụ tham thiên,
Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền .
Cựu tháp giang đình lưu thủy thượng,
Hoang tử cổ trùng thạch lân tiền.
Thái bình đồ chí kỷ thiên lý,
Lý đại quan hà nhị bách niên .
Thi khách trùng lai đầu phát bạc,
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.
(Bến đò Lưu Gia cây cao ngất trời,
Xưa phò giá sang đông từng đỗ thuyền nơi đây.
Tháp cũ, đình xưa dựng trên sông thu,
Đền hoang, mộ cổ trước mấy con lân đá  .
Bản đồ thái bình ghi mấy ngàn dặm,
Non sông nhà Lý trải hai trăm năm.
Khách thơ nay trở lại đầu đã bạc,
Hoa mai như tuyết chiếu xuống sông trong).
Những vần thơ Trần Quang Khải để lại là những ánh hào quang, ghi dấu ấn của một sự nghiệp lớn trong cuộc đời vị Thượng tướng nhà Trần - vừa làm thơ, vừa đánh giặc.
Sau khi hoàn thành việc nước, ông về an nghỉ trong thái ấp vua ban ở làng Cao Đài, nay thuộc xã Mỹ Thành huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định cùng phu nhân là Phụng Dương Công Chúa. Ông mất ngày 3 tháng 7 năm Giáp Tuất 1294, thọ 53 tuổi. Vua Trần phong cho ông là : Thượng Tướng Thái Sư Chiêu Minh Đại Vương.
Tự hào nghệ thuật chèo Nam Định
Cho tới nay, nghệ thuật Chèo mà ông cha ta để lại cho chúng ta đã có hàng ngàn năm tuổi. Có thể nói Chèo là thể loại sân khấu cổ nhất và thuần khiết dân tộc nhất; là thể loại sân khấu của nền văn minh lúa nước thuộc châu thổ sông Hồng.
Từ những câu chuyện dân gian, ca dao, đồng dao, dân ca của vùng đồng bằng và trung du phía Bắc, từng bước được sân khấu hoá, ông cha ta đã soạn thành những tích - câu chuyện có bắt đầu và có kết thúc. Rồi các tích các cụ dịch thành những trò diễn. Số phận các nhân vật được thể hiện qua các lớp trò bằng nói, hát và múa. Tích trò được lần lượt diễn ra theo thứ tự thời gian. Người ta gọi đó là: lối “CẤU TRÚC THẲNG”. Nghệ thuật Chèo dần dần được hình thành và phát triển trên nền văn nghệ dân gian của vùng đồng bằng và trung du phía Bắc.
Danh từ “CHÈO” cho tới nay chưa có một giải nghĩa chuẩn xác, cả về nghĩa và nguồn gốc. Có tới 5 cách hiểu và giải nghĩa về chữ “Chèo”:
- “CHÈO” là sự đọc trệch của chữ “chầu”, nghĩa là thể loại nghệ thuật này thường được biểu diễn để chầu thần, chầu thánh, chầu quan trên.
- CHÈO là từ chữ “trào lộng”
- CHÈO là từ sự lao động sông nước: “chèo thuyền” vừa lao động vừa hát, vừa nói và kể chuyện
- CHÈO là từ chữ “chào” đón khách quý, chào đón những ngày vui
- CHÈO là để chỉ một thể loại nghệ thuật chủ yếu dùng trò nhời v.v…
  Từ ngày xưa cho tới nay nghệ thuật Chèo được tồn tại dưới 6 hình thức tổ chức:
+ Phường chèo (ở các làng quê)
+ Chiếu chèo
+ Gánh hát chèo
+ Đội chèo
+ Đoàn chèo
+ Nhà hát chèo.
Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy (cách Nam Ðịnh-60km)-điểm Ramsar duy nhất của VN, có tầm quan trọng quốc tế là một bãi bồi rộng lớn nằm ở phía nam của sông Hồng với tổng diện tích đăng ký tham gia công ước Ramsar là 12.000ha, trong đó ngoài diện tích đầm lầy còn có hơn 3.000ha rừng ngập mặn
Ðây là hệ sinh thái cửa sông ven biển rất quan trọng cả về mặt sinh thái (nơi sinh sống của nhiều loài quan trọng là bãi sinh sản của các loài thủy sinh...) và kinh tế xã hội (chắn bão, chắn sóng, cung cấp nguồn lợi thủy hải sản biển và ven bờ...). Xuân Thủy được các nhà điểu học quốc tế thừa nhận là "sân ga của các dòng chim di trú quốc tế" với hơn 200 loài, trong đó gần 100 loài chim di cư và hơn 50 loài chim nước. Tại khu vực này, các nhà khoa học đã xác nhận có đến chín loài chim được ghi trong sách đỏ quốc tế gồm: bồ nông (hai loài), cò thìa (hai loài), mòng bể đầu đen mỏ ngắn, cò trắng Trung Quốc, choi choi mỏ thìa, choắt đầu đốm và choắt chân màng lớn.
Cuối tháng bảy vừa qua, một nhóm những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên đến tham quan vùng đất lý thú này. Không lâu sau khi đặt chân vào Xuân Thủy, trước mắt chúng tôi là đàn tám con cò lạo Ấn Ðộ màu sắc sặc sỡ đang tìm mồi giữa bãi lầy, trông từ xa như một bức tranh đẹp minh họa trong sách giáo khoa sinh vật. Ði tiếp một quãng dọc theo triền sông dẫn vào vùng lõi của khu bảo tồn, trong tầm mắt chúng tôi là nhiều loài chim khác như chim le hôi, cò lụa, cò lụa lùn, cò bợ, choắt chân hống, choắt nhỏ, bìm bịp lớn, bìm bịp nhỏ, bồng tranh, sả đầu nâu, bách thanh đuôi dài...
Ông Nguyễn Xuân Cách, giám đốc khu bảo tồn, cho biết cứ vào đầu mùa đông mỗi năm, trên đường di cư từ phương bắc xuống phương nam, nhiều loài chân dừng chân ở đây để tích lũy năng lượng cho hành trình còn lại của mình, một số loài khác chọn nơi đây là điểm lý tưởng để dừng chân trú qua mùa đông. Vào những ngày tháng mười, mười một du khách đến với Xuân Thủy có thể tận mắt chứng kiến từng đàn chim di trú, chim nước có khi đến hơn 40.000 cá thể, bay rợp cả một khoảng trời. Xuân Thủy là một vườn chim tự nhiên, phong phú các loài vì thế hằng năm thu hút 30-40 đoàn nghiên cứu đến từ các nước Canada, Hà Lan, Mỹ, Pháp, Anh, Hàn Quốc... Ông Cách cho biết thêm: hiện nay ban quản lý khu bảo tồn đang cố gắng hoàn thiện các dịch vụ để phục vụ du khách đến tham quan khu bảo tồn như xây dựng các chòi xem phim trang bị các ống nhòm xa, thuyền đưa du khách tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn cửa sông Hồng... trên cơ sở để người dân địa phương cùng quản lý và thực hiện các dịch vụ du lịch sinh thái.
Khó khăn lớn nhất để bảo tồn các loài chim nước và chim di cư ở Xuân Thủy là chất thải nông nghiệp, ô nhiễm của các ao hồ nuôi tôm cách đó không xa, và tệ hại hơn vẫn còn những người dân đặt bẫy chim để bán kiếm sống
Hải Hậu
Hải Hậu là một huyện của tỉnh Nam Định, Việt Nam. Nó cách thành phố Nam Định 30 km.
Phía bắc và phía tây Hải Hậu giáp huyện Trực Ninh, phía nam giáp huyện Nghĩa Hưng, phía đông giáp biển Đông. Bờ biển Hải Hậu dài dọc theo các xã Thịnh Long, Hải Hòa, Hải Triều, Hải Lý, Hải Đông.
Về giao thông, huyện có đường quốc lộ 21, đường sông và đường biển.
Huyện Hải Hậu phát triển du lịch tại bãi tắm Thịnh Long. Ngoài ra cảng Thịnh Long cũng đóng vai trò trong phát triển kinh tế của huyện. Ba xã được coi là mũi nhọn trong nền kinh tế Hải Hậu là thị trấn Cồn, có chợ Cồn là trung tâm của cả vùng, thị trấn Thịnh Long, có bãi tắm, và thị trấn Yên Định, trung tâm huyện. Bờ biển Hải Hậu còn có các cánh đồng muối. Người dân ở đây cũng tham gia đánh bắt hải sản.
Đặc sản: gạo tám thơm
Việt Nam có loại gạo đặc sản nổi tiếng là gạo Tám. Gạo tám nấu lên cơm vừa thơm vừa dẻo. Nhiều địa phương ở Nam Định, Thái Bình cấy gạo tám, nhưng hiện nay chỉ còn gạo tám Hải Hậu là giữ được hương vị như xưa.
(Trịnh Huy Cường - sưu tầm và biên soạn)
 
Hotline tư vấn miễn phí 24/7:
0888.313.369
0984.247.468
0948.247.486
Email: dieuhanhdulich247@gmail.com 
 
 
 

Thuê xe du lịch Hotline: 0984.247.468 / 0948.247.486 - Mr.Cường

back to top