Du lịch Huế - Phần 6

TÌM HIỂU DI TÍCH VÀ VĂN HÓA HUẾ - PHẦN 6 

Vườn quốc gia Bạch Mã     

Thưa các cô chú anh chị, chúng ta vừa tham quan xong lăng Minh Mạng, bây giờ đoàn ta sẽ đến với vườn quốc gia Bạch Mã.
        Bạch Mã là một khu nghỉ mát lý tưởng ở vùng rừng núi của quê hương mình và một Vườn quốc gia thuộc loại đa dạng sinh học.
        Khu núi rừng Bạch Mã thuộc địa bàn huyện Phú Lộc. Nó nằm gần địa giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam. Dưới thời nhà Nguyễn, không thấy sử sách nào ghi lại tên địa danh này. Có lẽ địa danh này chỉ mới xuất hiện vào những thập niên đầu thế kỉ XX, từ khi người Pháp phát hiện ra khu nghỉ mát này vào năm 1932. Có lẽ tên cũ của núi Bạch Mã là núi Bạch Thạch, vì trong cả hai bộ “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc Sử quán triều Nguyễn, ở mục “Núi Sông” (sơn xuyên), các sử quan có viết mấy dòng ghi nhận ngày xưa ấy có vẻ giống nhau là chữ bạch. Còn về chữ Mã thì một số người địa phương cho rằng trên sườn bắc của núi Bạch Mã có một dấu vết giống như hình con ngựa, cho nên núi mới được đặt tên như thế.
        Dù sao đi nữa, khu nghỉ mát Bạch Mã cũng chỉ mới được phát hiện vào năm 1932. Hiện nay, ở gần đỉnh núi vẫn còn tấm bia khá lớn bằng đá cẩm thạch được khắc dựng vào những năm tháng ban đầu khi mới quy hoạch và xây dựng khu nghỉ mát dưới thời Pháp thuộc. Trên mặt bia chỉ khắc sâu một câu rất vắn tắt có thể tạm dịch là: Bạch Mã – nơi nghỉ mát được ông Girad, Kỹ sư trưởng Công chánh (Trung kỳ), phát hiện vào ngày 28 – 7 – 1932 (Tòa Công chánh trung kỳ bấy giờ là trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Huế hiện nay).
        Thưa các cô chú anh chị, vườn quốc gia Bạch Mã là một phần của dãy Trường Sơn bắc, nằm trên địa phận huyện Phú Lộc và nam Đông của tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích 22.030 ha, vùng đệm: vùng đệm bao quanh vườn quốc gia, tính từ ranh giới vườn (rộng nhất là 9km, hẹp nhất là 0.51km) với diện tích là 21.300ha.
        Đỉnh núi Bạch Mã ở độ cao 1444m so với mực nước biển. Nhờ độ cao và ảnh hưởng của gió biển, khu rừng núi ở đây có khí hậu ôn hòa và mát mẻ. Vào mùa nắng, nhiệt độ lên xuống từ 190 đến 200C. Nhận thấy đây vừa là môi trường nghỉ dưỡng rất tốt, vừa là nơi có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên (thác, hồ…), vừa là một điểm ngắm các thắng cảnh chung quanh rất hấp dẫn, Chính quyền bảo hộ bấy giờ đã biến khu núi rừng này thành trung tâm nghỉ mát quan trọng nhất ở vùng Huế. Có được cái thuận tiện là địa điểm này chỉ nằm cách Huế 59km đường bộ, không xa các bãi biển Cảnh Dương (Chân Mây) và Lăng Cô. Từ Huế đi theo Quốc lộ 1A khoảng 40km (chợ Cầu Hai), rẽ phải đi thêm 19km nữa là đến đỉnh núi Bạch Mã. Do đó, chính quyền bấy giờ đã bắt đầu xây dựng khu nghỉ mát ấy bằng cách cho mở một con đường nhựa 19km từ Cầu Hai lên đến đỉnh núi và mở một số đường nhánh đi từ trung tâm nghỉ mát đến các thắng cảnh trong khu vực.
        Từ năm 1932 đến trước năm 1945, người ta đã lần lượt xây dựng ở đây 139 biệt thự. Phần lớn chủ nhân của các biệt thự là quan chức thuộc Chính quyền Bảo hộ tại Huế và thuộc Nam triều. Ngoài ra, còn có biệt thự và cửa hàng của một số tư nhân, cũng như một trại trường khá rộng lớn của Hướng đạo sinh Việt Nam. Tương tự như tại Đà Lạt, phần lớn những biệt thự ở Bạch Mã đều làm bằng gỗ, lợp ngói; có một số xây tường bằng gạch hoặc bằng đá; nhưng mỗi công trình kiến trúc được thiết kế theo một kiểu, tùy theo địa thế và vị trí của từng mảnh đất trên sườn đồi và khe suối, chẳng có ngôi nhà nào giống ngôi nàh nào, đều rất xinh xắn và hữu tình. Các kiểu dáng biệt thự tại đây đã được kết hợp với thiên nhiên một cách khéo léo và hài hòa để tạo ra một quần thể kiến trúc cảnh quan mỹ lệ nằm thấp thoáng dưới bóng cây cao rừng rậm giữa chốn núi đồi phóng khoáng và trong bầu không khí trong lành.
        Nhưng, cuộc chiến tranh Việt – Pháp từ năm 1947 đến năm 1954 đã làm cho hầu hết nhà cửa ở Bạch Mã đều bị đổ nát; con đường Cầu Hai – Bạch Mã bị hư hỏng nặng nề vì cây hoang cỏ dại mọc lan tràn và vì nước lũ chảy mạnh gây sói lở, mang đất lá lấp lối đi và tàn phá các cầu cống trên đường. Sau đó, chính quyền tỉnh sở tại đã lập một dự án tái thiết khu nghỉ mát này. Giai đoạn đầu tiên của dự án là trùng tu con đường và các cầu cống từ Cầu Hai lên Bạch Mã, và đã được thi công từ tháng 11 – 1959 đến tháng 8 – 1960. Từ đó cho đến năm 1962, một công trình nghiên cứu về khu bảo tồn thiên nhiên mang tên “Quốc gia lâm viên Bạch Mã Hải Vân” đã do kỹ sư Lâm nghiệp Nguyễn Hữu Đính thực hiện và viết thành “Tờ trình” một cách nghiêm túc. Nhưng mấy năm sau đó, chiến tranh tái diễn một cách ác liệt ở khu núi rừng ấy, cho nên, các dự án và tờ trình đành nằm yên trên giấy.
        Một thời gian khá dài sau ngày hòa bình lập lại, mãi đến năm 1991, Nhà nước mới có điều kiện thành lập Vườn Quốc gia Bạch Mã với tổng diện tích núi rừng tự nhiên là 22.031ha và vùng đệm bao quanh là 21.300 ha; và lập ra một cơ quan đóng tại chỗ để lo việc quản lý và bảo tồn. Từ đó, công việc nghiên cứu vè các giá trị vốn có của khu bảo tồn sinh thái tự nhiên này cũng đã được một số cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục thực hiện. Kết quả cho thấy tại đây hiện có 1201 loài thực vật thuộc 154 họ đã được định loại và có khoảng 1000 loài động vật thuộc hơn 150 họ khác nhau. Một số loài thực vật và động vật  quý hiếm tại đây đã được ghi vào Sách đỏ của Việt Nam và cảu thế giới. Trong những năm gần đây, một số khách sạn nhỏ (nhà nghỉ) cũng đã được xây dựng trên nền móng của các biệt thự cũ để phục vụ du khách.
        Vườn Quốc gia Bạch Mã thành lập với mục tiêu bảo tồn các hệ sinh thái của vùng chuyển tiếp khí hậu giữa miền bắc và miền nam, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm tiêu biểu của Vườn (Trĩ sao, gà lôi lam mào trắng, mào đen, vượn, voọc chà vá....cẩm lai, trắc, trầm hương, kim giao...), bảo vệ các cảnh quan tự nhiên trong vườn, phục hồi lại những khu rừng đã bị tàn phá.
        Tham gia nghiên cứu thực nghiệm, nghiên cứu cơ bản và tổ chức dịch vụ nghiên cứu theo chương trình và hợp đồng nhằm mục đích bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn nguồn gen, pháp triển lâm sinh.
        Thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục bảo vệ thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái.
        Giá trị du lịch của Bạch mã là cảnh quan tự nhiên và khí hậu (nhiệt độ 180C – 230C), với nhiều dãy núi cao, chia cắt tạo ra các khu hệ động, thực vật rất phong phú và đa dạng. Dịch vụ du lịch sinh thái ở đầy đã hình thành một số tuyến du lịch, phục vụ ăn uống, nghỉ dưỡng...Với nhiều tuyến đường như: Đường mòn trí sao, đường mòn thác đỗ quyên, đường mòn thác ngũ hồ, đườn mòn Hải Vọng Đài và một số địa điểm khác. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ở đây khá phát triển như một số biệt thự thời Pháp đã được phục hồi làm trạm nghiên cứu, bãi cắm trại...
        Vườn quốc gia Bạch Mã với hệ thực vật rất phong phú và đa dạng, những kết quản nghiên cứu cho thấy nơi đây có tới 1.406 loài thực vật. Hơn 30 loài thực vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam và có nguy cơ tuyệt chủng như vàng đắng, hoàng tinh hoa trắng, kim tuyến, đỗ quyên, trần hương, phong lan, đỉnh tùng,… hệ động vật cũng rất phong phú và đa dạng với nhiều loài quý hiếm và đặc hữu. Các nhà khoa học đã ghi nhận được 931 loài động vật gồm: 83 loài thú, 333 loài chim, 31 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 39 loài cá nước ngọt, 218 loài bướm, 178 loài côn trùng cánh cứng, 28 loài mối, trong đó có 68 loài đã được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam. Một số loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm như Voọc ngũ sắc (Pygathrix nemaeus), vượn đen má trắng (Hylobates leucogenis), culi lớn, culi nhỏ, gấu... Hổ vẫn có ghi nhận tại vườn, ngoài ra Bạch Mã còn là nơi cư trú của Sao La (Pseudorys nghetinhensis), mang trường sơn (Muntiacus truongsonensis) và mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), đây là những loài thú lớn mới phát hiện ở Việt Nam.
        Có nhiều dự án đã được thực hiện như: Dự án sức khoẻ cộng đồng tại vùng đệm. Dự án tăng cường năng lực quản lý rừng ở Thừa Thiên Huế (SNV tài trợ). Dự án pháp triển Vườn quốc gia Bạch Mã có sự tham gia của cộng đồng do WWF phối hợp thực hiện (trợ giúp tài chính của  liên minh Châu Âu, 1995 - 1997)
        Vùng đệm của Vườn quốc gia Bạch Mã bao gồm 9 xã, 2 thị trấn thuộc hai huyện Phú Lộc, Nam Đông, tỉnh Thừa  Thiên Huế và một xã thuộc huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam. Dân số trong vùng với khoảng 62.774 người đa số là người kinh, ngoài ra còn có dân tộc Katu, Mường, Vân kiều.

Vịnh biển Lăng Cô

        Thưa các cô chú anh chị, cách khu nghỉ mát Bạch Mã không xa là khu nghỉ mát và tắm biển nổi tiếng của Thừa Thiên Huế, đó chính là khu du lịch nghỉ biển Lăng Cô.
        Từ lâu về trước, các vua triều Nguyễn đã từng cho xây dựng hành cung tại bãi biển này để thỉnh thoảng cùng hoàng gia về đây nghỉ dưỡng. Ngày nay, khu nghỉ mát này đang được tiếp tục phát huy giá trị về mặt du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
        Địa danh Lăng Cô đã trở nên ngày càng nổi tiếng, nhưng không mấy ai để ý đến gốc gác và ý nghĩa của địa danh này. Khu nghỉ mát Lăng Cô ngày xưa thuộc làn An Cư, một trong hơn 20 làng thuộc tổng An Cư, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Nó ở gần làng Lập An cũng thuộc tổng ấy. Cả hai làng An Cư và Lập An đều nằm ven một đầm nước khá rộng lớn. Đầm thông với biển bằng một thủy khẩu hẹp ở sát chân phía bắc của đèo Hải Vân. Vì hai làng An Cư và Lập An đều nằm ven đầm, cho nên khi thì nó được gọi là đầm An Cư, khi thì được gọi là đầm Lập An. Nhưng, trên tất cả các bản đồ tỉnh Thừa Thiên Huế từ xưa đến nay, người ta đều ghi tên của đầm nước đó là đầm An Cư.
        Về nguồn gốc của địa danh Lăng Cô, có người đã cho rằng nó do từ “làng cò” mà ra: Vì ngày xưa có rất nhiều cò bay về đậu hoặc cư trú ở ngôi làng ven đầm An Cư, cho nên người ta gọi đó là Làng Cò, nó bị biến âm thành Lăng Cô. Nhưng cách lý giải này không có sức thuyết phục bằng cách lý giải sau đây: Lăng Cô là do địa danh An Cư mà ra.
        Khu nghỉ dưỡng Lăng Cô, còn có một điều nữa ít người biết đến, là chính vua Khải Định (1916 – 1925) là người đầu tiên phát hiện và phát huy khu du lịch lý tưởng này cách đây hơn 90 năm về trước.
        Thật vậy, vào năm 1916, sau khi lên ngôi, nhà vua đã mở một chuyến tuần du về những huyện ở phía nam kinh thành Huế và đã nhận ra được các giá trị du lịch và nghỉ mát của Lăng Cô. Khi dừng chân lại ở bãi biển cát trắng nước xanh này, vua Khải Định đã đánh giá cao cảnh đẹp của thiên nhiên ở bốn bề chung quanh: Phía bắc là cửa biển Cảnh Dương ở mũi Chân Mây, phía nam là Hải Vân Quan ở núi Hải Vân, phía tây là núi Phú Gia chập chồng, mờ ảo trong mây khói ở bên kia đầm An Cư, và phía đông là sóng nước đại dương mênh mông, trong lành mát mẻ. Chính tại điểm ngắm đó bên bờ biển, nhà vua đã thưởng thức và hưởng thụ được những ngày nghỉ dưỡng thú vị, và cảm thấy hưng phấn từ thể xác đến tinh thần.
        Sau khi trở về hoàng cung ở Huế, vua Khải Định liền ban lệnh cho Bộ Công đưa vật liệu về Lăng Cô xây dựng một hành cung để nhà vua nghỉ mát vào mùa hè, và thỉnh thoảng còn rước hai bà mẹ của vua là bà Thánh Cung (mẹ đích) và bà Tiên Cung (mẹ đẻ) về đây hóng mát và ngắm cảnh. Nhà vua đã đặt tên cho hành cung này là Tịnh Viêm (nghĩa đen là làm dịu sự nóng nực). Sau đó gần 3 năm (1919), cũng trong một dịp đứng ở điểm ngắm tuyệt vời ấy, vua Khải Định lại xúc cảnh sinh tình và đã viết một bài văn để ca ngợi. Ngay vào năm đó, áng văn chương có giá trị này đã được khắc vào một tấm bia đá rất đẹp và dựng tại chỗ, ngày nay vẫn còn đứng vững ở gần bãi tắm Lăng Cô.
        Dịch nghĩa bài văn bia Hành cung Tịnh Viêm do vua Khải Định ngự chế:
        “Vào tháng sáu mùa hè năm đầu Trẫm mới lên ngôi (1916), nhân dịp đi tuần du trong tỉnh để xem xét phong tục, xe loan hướng về phía nam, vượt qua sông núi, không đâu không nhìn ngắm kỹ, bỗng gặp được chốn này.
        Ở đây, đất liền với núi Phú Gia, bãi cát giăng ngang, nước tiếp đại dương, sông chảy quanh quất. Núi non cao ngất ôm phía sau, đầm nước trải dài về phía trước. Phía nam giáp với Hải Vân Quan, phía bắc liền với cửa biển Cảnh Dương. Thôn yên đảo vắng, nơi nơi cây biếc ráng hồng; bãi hạc đầm le, thỉnh thoảng vọng tiếng tiều phu và nhịp chèo ngư phủ. Trông về núi thì thấy mây lạ bay lên từ hang hốc, như những nàng tiên múa ở non bồng; nhìn xuống thì gió trong xua sóng biển, như muôn ngựa chầu về. Bấy giờ mới dừng xe trông ra bốn phía, vui mắt nhìn xem, thấy nào là khí lành, nào là gió dịu, nào là cảnh vui, nào là vật đẹp. Đắm nhìn một hồi lâu, bất giác cả người mát rượu, sự nóng nực tan biến, lòng thấy hớn hở hẳn ra, và xúc cảnh sinh tình.
        Đến ngày quay xe trở về, liền ban sắc bảo Bộ Công đến đó xây dựng hành cung, đặt tên là Hành cung Tịnh Viêm, để làm nơi hóng mts giữa  mùa hè, thỉnh thoảng rước Lưỡng Cung về tránh nóng và ngắm xem phong cảnh. May mà được hai ngài ưa thích. Vậy thì hnhf cung này chẳng phải chỉ để riêng Trẫm vui thú lúc rnảh rang, mà còn ghi chép để lưu lại về sau một nơi nghỉ mát và một thắng cảnh. Vì thế cho nên làm bài văn này để khắc lại.
        Ngày 24 tháng 2 năm Khải Định thứ 4 (tức ngày 25 tháng 3 năm 1919)”.
        Sau thời Khải Định, vua Bảo Đại (1926 – 1945) cũng đã cho xây biệt thự ở bãi biển này để thỉnh thoảng về nghỉ mát.
        Vào hai dịp Festival Huế năm 2004 và 2006 vừa qua, “Lễ hội Lăng Cô – Huyền thoại biển” đã diễn ra khá tưng bùng và sôi nổi để quảng bá khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng rất hấp dẫn này cho du khách nội địa và quốc tế. Nhưng có điều đáng ngạc nhiên là những lời giới thiệu và mấy bài diễn văn đọc trong buổi lễ không hề có một chữ nào nói đến người phát hiện khu du lịch ấy và bài văn bia ngự chế nêu trên.
        Hiện nay, để phát triển khu nghỉ dưỡng này đã có trên 20 dự án du lịch đăng ký đầu tư vào khu du lịch Lăng Cô. Mỗi dự án huy động từ 3-5 triệu USD triển khai diện tích từ 5 ha đến vài chục ha, và hiện tại Lăng Cô có 3 khu du lịch đã hoạt động.
        Đến với biển Lăng Cô, các cô chú anh chị có thể tận hưởng được cảnh đẹp và không khí trong lành nơi đây: Một bên biển là bờ cát trắng, đêm đêm sóng vỗ rì rào. Một bên là đầm An Cư in hình bóng rặng Trường Sơn xanh rì. Phong cảnh Lăng Cô non xanh nước biếc và biển cả trùng trùng ôm gọn làng chài bé nhỏ như một sự ngẫu hứng của tạo hóa ở vùng đất này. Qua bao năm tháng, làng chài Lăng Cô ngày càng thay da đổi thịt, hàng dừa xanh soi bóng, nhiều mái ngói mọc lên. Lăng Cô có chiều dài 10km nằm cạnh Quốc lộ 1A, sát chân đèo Hải Vân và cách núi Bạch Mã 24km. Lăng Cô là một bãi tắm đã được khảo sát. Bờ biển có triền dốc thoai thoải cho nên ven bờ nông, cạn. Vào mùa khô độ sâu trung bình dưới 1 mét. Tốc độ dòng chảy là 4,5km/giờ. Nền biển là cát và đá cứng, do đó, từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm Lăng Cô trở thành bãi tắm lý tưởng cho mọi lứa tuổi, từ người dân địa phương đến khách du lịch trên đường thiên lý Bắc – Nam                                   .
        Cách đây khoảng 5 năm, Tổng cục Du lịch đã đưa Bạch Mã- Cảnh Dương (Lăng Cô) - Hải Vân- Non Nước vào quy hoạch là một trong 4 vùng trọng điểm du lịch quốc gia.
        Đến với Lăng Cô, cô chú anh chị sẽ cảm nhận được cái thú vị khi bước những bước chân trần mát lạnh lên lớp bùn non của đầm An Cư trong buổi chiều khi ngọn thủy triều hạ xuống. Đây cũng là lúc những ngư phủ câu mực từ phía làng kéo thành đoàn đi về phía chân núi Hải Vân. Khi màn đêm buông xuống, những chiếc đèn câu tỏa sáng lung linh như vô số ánh sao.
        Ấn tượng về Lăng Cô không chỉ là những buổi sáng mù sương nghe rì rào sóng vỗ, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ thảnh thót vang lên trong lúc hoàng hôn, hay về đêm nhìn về phía đầm An Cư hàng ngàn ánh đèn câu như một thành phố đầy sao như trong truyện cổ tích. Phong cảnh nên thơ ấy đã tạo không biết bao đề tài về thơ, nhạc, tranh, ảnh.
        Lăng Cô nhờ thiên nhiên ưu đãi còn có nhiều sản phẩm phong phú, quý hiếm của vùng đầm phá nước lợ và biển xanh: tôm hùm, cua, mực, cá thu, cá mú, đặc biệt là đặc sản mắm sò huyết… Ngoài ra, các cô chú anh chị cũng có thể mua cho mình một vài chai dầu Chàm về làm quà cho người thân. Loại dầu này được làm từ cây chàm ở nơi đây có tác dụng để chữa đau lưng nhức mỏi rất tốt. Để chiết xuất được loại dầu này người ta chặt thân cây chàm ra làm thành nhiều đoạn nhỏ và đem vào đun cách thủy giống cách mà người ta nấu rượu gạo thì sẽ cho ra loại dầu chàm này.

Đèo Hải Vân

        Thưa các cô chú anh chị, chúng ta đã nghỉ ngơi thư giãn tại biển Lăng Cô. Bây giờ đoàn ta sẽ đến với một địa danh mới đó chính là Đà Nẵng. Đà Nẵng và Huế giáp ranh bởi dãy núi đèo Hải Vân – một địa danh đã được nhắc đến rất nhiều qua sử sách. Chính vì vậy, trước khi đến với Đà Nẵng, Hướng dẫn viên xin được nói đôi chút về đèo Hải Vân.
        Trước đây, Hải Vân Quan là một vị trí chiến lược xung yếu của Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế. Về quân sự cũng như giao thông bằng đường bộ, đó là cửa ngõ phía nam của vùng đất này.
        Hải Vân Quan nằm ở đỉnh đèo vắt qua một rặng núi đâm ngang ra biển từ dãy Trường Sơn. Đỉnh đèo Hải Vân ở độ cao 496m so với mực nước biển; cách Huế khoảng chừng 77,3km về phía nam và cách Đà Nẵng 28,7km về phía bắc.
        Từ thời xa xưa, đỉnh đèo ấy nằm trên “đường Thiên lý”, sau đó gọi là “đường Quan lộ” hoặc “đường Cái Quan” và nay là đường Quốc lộ 1A. Vì nó ở vào một vị trí quan trọng về quân sự và giao thông vận tải như thế, cho nên, sử sách cho biết, từ hơn 500 năm về trước, các Nhà nước quân chủ đã quan tâm đến việc thiết lập cứ điểm trấn thủ tại đây.
        Khi nói về địa điểm trọng yếu này đã có nhiều cuốn sách ghi chép lại như: Trong quyển “Dư địa chí” đầu tiên ở nước ta do Nguyễn Trãi biên soạn vào năm 1435, tác giả đã nói đến địa danh “Ải Vân” như là một yếu điểm trên con đường từ Thuận Hóa đi vào Quảng Nam.
        Trong quyển “Ô châu cận lục” do Dương Văn An nhuận sắc vào năm 1555, có đoạn viết “Từ địa phận Thuận Hóa, theo đường đi bộ ước hơn một ngày thì đến địa phận Quảng Nam. Thực là một nơi xung yếu của hai hạt, ở đó có lập đồn ải để canh phòng”.
        Và khi chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), khi đi qua đèo để vào tuần du vào Quảng Nam, chúa cũng đã nhận xét rằng đây là một “hiểm ải” và được lưu lại qua bài thơ “Hải Vân Sơn” do chính chúa viết.
        Nhưng phải đợi đến năm 1776, khi Lê Quý Đôn biên soạn “Phủ biên tạp lục”, chúng ta mới thấy tên địa danh “Hải Vân Quan” được gọi chính thức lần đầu tiên: “Hải Vân Quan ở huyện Tư Vang, trên lên tận trời xanh, dưới xuống tận biển cả, là đất cổ họng của Thuận Quảng, có đồn canh và tuần ty, trên từ Yêu Duyên, dưới đến Ô Rỗ, đều khám xét cả”. Tuy nhiên, về diện mạo ửa ải cũng như đồn lũy được xây dựng tại đó lúc bấy giờ như thế nào thì không rõ vì không thấy ghi chép lại.
        Phải đợi đến triều Nguyễn thì những thông tin về việc xây dựng Hải Vân Quan và các công sự phòng thủ ở đó mới được sử sách của triều đại này cung cấp khá đầy đủ. Sách “Đại Nam thực lục” và “Đại Nam nhất thống chí” đều ghi chép rằng vào năm Minh Mạng thứ 7, tức là năm 1826, triều đình cho “xây đắp cửa Hải  Vân ở đỉnh núi Hải Vân, phía trước sau đều đặt một cửa quan (mặt trước viết 3 chữ “Hải Vân Quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cửa trước bề cao 15 thước, bề dài 11 thước, bề ngang 8 thước  tấc; cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, bề ngang 8 thước 1 tấc; hai bên tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau liền nhau). Sai Thừa Thiên và Quảng Nam thuê dân làm, vài tháng làm xong. Phái biền binh 4 đội Hữu sai và Ứng Sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên tấn thủ đóng giữ”.
        Sau đó một năm, 1827, triều đình Minh Mạng đã cho xây dựng một nhà kho ở Thừa Phúc thuộc huyện Phú Lộc, “thu tiền gạo thuế của 16 xã dân phụ cận để chứa. Phàm lương bổng của biền binh trú giữ cửa Hải Vân, cùng thủ ngự, cai trạm đều lấy ở kho ấy mà chi cấp”.
        Ngoài tiền đồn và nhà kho hậu cần ấy ra, vào năm 1835, triều đình còn cho xây dựng thêm một cửa ải khác nữa, mang tên là Hải Sơn Quan, nằm cách Hải Quan 5 dặm về phía bắc. Cửa này cao 1 trượng 1 thước 6 tấc, rộng 8 thước 1 tấc, hai bên cửa có xây lũy bằng đá, rộng hơn 17 thước.
        Về lực lượng quân sự trú đóng và phương tiện canh phòng ở Hải Vân Quan, Quốc Sử quán triều Nguyễn cho biết: “Ban đầu, đặt 1 viên Phòng thủ úy, và biền binh thường trú, mỗi tháng 1 lần thay đổi; năm Minh Mạng thứ 17 (1836), tăng lên 2 viên Phòng thủ úy, mỗi tháng 1 lần thay đổi; còn biền binh thì 15 ngày 1 lần thay đổi; lại cấp cho ống dòm thiên lý để trông ra ngoài biển thấy có ghe thuyền ngoại quốc vào đậu vũng biển Đà Nẵng thì ở trên ải phải báo cáo trước”.
        Vì Hải Vân Quan có tầm quan trọng về quốc phòng và giao thông như vừa nói, cho nên, cũng vào năm 1836, trong khi đang đúc Cửu Đỉnh, triều đình đã cho tạc hình ảnh cửa ải này vào Dụ đỉnh.
         Tuy nhiên, ở đèo Hải Vân không phải chỉ có một cửa ải duy nhất, mà triều Nguyễn đã cho xây dựng đến 3 cửa ải, bấy giờ được gọi một cách nôm na là Đồn nhất, Đồn nhì và Đồn ba. Theo một nguồn tư liệu khác, vào năm 1876, số lính đồn trú tại đây khoảng 50 người, đặt dưới quyền chỉ huy của một số võ quan như trên đã nói.
        Dưới triều Nguyễn, hải Vân Quan được bố phòng quân sự một cách chặt chẽ và kiên cố, được xem như là một tiền đồn về phía nam của Kinh đô Huế. Nhưng, sau khi Thất thủ Kinh đô vào năm 1885, tiền đồn này cũng đã lọt vào tay quân đội thực dân Pháp vào ngày 13 – 3 – 1886.
        Từ đó đến nay, đã có những giai đoạn các quan ải trên đèo Hải Vân bị lợi dụng để làm đồn bốt, ngoài ra thì bị bỏ phế cho nắng mưa và cây hoang cỏ dại tàn phá. Hải Vân Quan và các đồn lũy ở đèo Hải Vân đã và đang xuống cấp và cần được bảo tồn.
        Hiện nay, để thuận tiện và đảm bảo an toàn cho việc đi lại ra bắc vào nam người ta đã thông hầm đèo hải vân để lưu thông.
  
PHẦN THAM KHẢO THÊM
        Thưa các cô chú anh chị, nếu có thời gian xin mời các cô chú anh chị chúng ta tới dạo thăm các điểm tham quan cũng rất hấp dẫn tại mảnh đất cố đô này ngay trên trục đường Lê Lợi.
        Từ khách sạn Hương Giang dọc theo đường Lê Lợi cô chú anh chị có thể tham quan chiêm ngưỡng một số công trình tại đây như: Khách sạn Morin, cổng trường Quốc Học, trường Đồng Khánh – Hai Bà Trưng, Đài chiến sĩ trận vong, Trụ sở viện dân biểu trung kỳ. Hay các cô chú anh chị có thể dạo bộ qua cầu Trường Tiền đến với chợ Đông Ba để tham quan mua sắm tại đây.

Trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng

        Và điểm thamn quan đầu tiên trên trục đường Lê Lợi mà HDV muốn giới thiệu đến các cô chú anh chị ngày hôm nay đó là Trường Đồng Khánh – Hai Bà Trưng.
        Trường Đồng Khánh – Hai bà Trưng là ngôi trường trước đây chuyên dùng để đào tạo cho giới nữ. Trường được khởi công xây dựng vào ngày 15 – 07 – 1917, với sự hiện diện của vua Khải Định, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, Khâm sứ Trung kỳ J.E. Charles, Quyền Khâm sứ Bắc Kỳ J.Le Galler, các hoàng thân, các vị thượng thư của Nam triều và các quan chức cao cấp người Pháp tại Đông Dương. Các nhân vật tham dự lễ ấy đã nói lên tầm quan trọng của ngôi trường.
        Trong cuộc lễ long trọng này, vua Khải Định đã cho đặt xuống dưới móng của trường một số hiện vật để kỷ niệm. Đó là một cái hộp bằng kim loại đựng 10 đồng tiền bằng bạc ghi 4 chữ Hán “Khải Định thông bảo” và hai tờ giấy ghi biên bản của buổi lễ bằng tiếng Pháp như vừa được tóm tắt ở đoạn trên. Các cổ vật quý báu ấy đã được một nhóm công nhân phát hiện vào ngày 01 – 11 – 2001 khi họ đào móng của một dãy nhà trong trường để gia cố. Mười đồng tiền gồm 5 cỡ khác nhau: moi cỡ có 2 đồng, đường kính của cỡ lớn nhất là 39 cm và cỡ nhỏ nhất là 29 cm.
Ngay sau ngày lễ đặt viên đá đầu tiên, hàng trăm người thợ Huế dưới sự điều khiển của nhà thầu Leroy đã xây dựng ngôi trường trong gần 2 năm. Đây là trường nữ đầu tiên và duy nhất dành cho nữ sinh của cả 13 tỉnh Trung Kỳ bấy giờ đến học.
        Bên trong một khuôn viên rộng rãi và thoáng mát, kiến trúc của trường thật khang trang và đầy đủ tiện nghi dành cho một cơ ngơi giáo dục và đào tạo. Hai dãy lầu ở hai phía đông tây đối diện nhau. Lầu xây hai tầng, tầng dưới là các phòng học, tầng trên là các phòng ngủ dành cho những học sinh nội trú. Đôi đoạn có thêm tầng 3 dùng làm chỗ ở của Bà Tổng Giám thị và các cô Giám thị. Phía trước là nhà của Bà Hiệu Trưởng, của bà Giám học. Phần cuối của hai dãy lầu được nối lại với nhau bằng nhà chơi nằm giữa và hai cánh hành lang có mái che ở hai bên. Phần sau của khuôn viên là sân vận động khá rộng với đầy đủ phương tiện để học sinh tập luyện thể thao và thể dục.
        Trong trường còn có văn phòng, thư viện, bệnh xá, phòng thí nghiệm (lý, hóa, sinh), phòng nhạc, phòng học vẽ, phòng học nữ công gia chánh, nhà bếp, phòng tắm giặt, v.v…
        Sở dĩ trường được đặt tên là Đồng Khánh, vì đây là tên của vị vua đã sinh ra vua Khải Định. Từ ngày miền Nam giải phóng (1975), tền trường Đồng Khánh được đổi thành trường Trưng Trắc, rồi trường Hai Bà Trưng. Sau đó, trường trở thành một ngôi trường cho cả nam sinh và nữ sinh như bao ngôi trường trung học khác trong nước.
        Trong ngót 90 năm tồn tại và phát triển (1917 – 2009), qua các giai đoạn lịch sử, nhà trường đã xây dựng thêm một số công trình kiến trúc để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, dáng vẻ của ngôi trường nói chung và diện mạo của cổng trường nói riêng dường như không có gì thay đổi đáng kể. Vẫn được quét bằng màu vôi hồng thắm, ngôi trường Đồng Khánh – Hai Bà Trưng với nền giáo dục văn thể mỹ hạnh toàn diện đã cùng với các thế hệ nữ sinh đoan trang thùy mị xưa nay tạo thêm cho Huế một nét đẹp thơ mộng.
        Và cách trường Đồng Khánh – Hai Bà Trưng khoảng chừng vài chục mét chúng ta sẽ đến với một ngôi trường có lịch sử rất lâu đời và nôi tiếng không chỉ ở Huế mà còn trong cả nước và được nhiều người biết đến, đó chính là trường Quốc Học.

Trường Quốc Học Huế

        Trường Quốc Học được thành lập năm 1896 dưới thời Thành Thái. Đây là trường trung học đầu tiên ở Huế và Trung kỳ. Từ đó đến nay (1896 – 2009), trường đã thọ 113 tuổi.
        Về phương diện kiến trúc, đây là ngôi trường đẹp đẽ và khang trang nhất của Việt Nam. Nó đã được hoàn thiện dần qua các thời kỳ lịch sử.
        Cổng trường cũng thế. Cổng trường là bộ mặt quan trọng nhất của nhà trường, cho nên, nó đã được quan tâm đặc biệt từ xưa đến nay trong việc xây dựng và trang trí. Cổng trường đã được thay đổi diện mạo khá nhiều lần trong các thời điểm trường được nâng cấp về mặt kiến trúc hoặc những dịp tên trường thay đổi.
        Thuở ban đầu, trường dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ, cho nên tấm hoành phi treo ở cổng trường lúc đó mang 6 chữ Hán “Pháp tự Quốc học trường môn” (rất đáng quý là tấm hoành phi này còn được bảo quản nguyên vẹn cho đến ngày nay tại phòng truyền thống của trường).
        Khoảng những năm 1933 – 1936, Tổng Giám thị của trường là ông Boularand đã cho cải tạo cổng trường theo kiểu kiến trúc Nhật Bản và đã cho sơn màu đỏ trông thật chói chan. Ông đã bị chỉ trích rất nặng nề.
        Cho nên, vào cuối năm 1936, nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày thành lập trường và đổi tên thành trường Khải Định, cổng trường được xây lại theo phong cách truyền thống Việt Nam. Cổng có 4 trụ. Ở 4 đầu trụ và trên chóp cổng đều đắp hình hoa sen. Ở trán cổng đề 5 chữ Hán “Khải Định Trung học trường” và sát bên dưới là dòng chữ “Lycée Khải – Định”.
        Trong niên khóa 1955 – 1956, trường Khải Định lại bị đổi tên thành trường Ngô Đình Diệm. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường (26 – 12 – 1956), theo nguyện vọng của một số nhân sĩ trí thức ở Huế và của các cựu học sinh đã thành danh ở nhiều nơi, nhà cầm quyền lúc đó đã phải chấp nhận dùng lại tên gọi truyền thống là trường Quốc Học. Năm 1958, cổng trường lại được xây mới một lần nữa. Diện mạo kiến trúc và trang trí của cổng trường hồi ấy vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
        Và trước mặt của cổng trường Quốc học chúng ta đang nhìn thấy là Đài chiến sĩ trận vong.
        Đài nằm ngay khu vực trước mặt cổng trường Quốc Học, cho nên có người đã gọi nhầm đây là “bình phong Quốc Học” hoặc tấm “bia Quốc Học”. Về bình phong của trường Quốc Học thì đã có tấm “Bình phong Long Mã” được xây dựng vào năm 1896 từ khi trường mới ra đời và hiện còn tại chỗ.
        Thật ra, di tích kiến trúc đang nói đến ở đây vốn đã được gọi tên bằng tiếng Pháp là “Monument aux Morts” và bằng tiếng Việt là “Đài chiến sĩ trận vong”. Đây là công trình kiến trúc do Tòa Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ cho xây dựng vào năm 1920 để tưởng niệm những người Pháp và người Việt ở các tỉnh Trung Kỳ từng qua tham chiến và tử trận ở Châu Âu trong Đệ nhất thế chiến (1914 – 1918).
        Trước khi xây dựng, Tòa Khâm sứ đã thành lập một Ủy ban phụ trách việc thực hiện, lựa chọn địa điểm và hình thức xây đài. Ủy ban đặc trách này gồm 3 quan chức người Pháp và một quan chức của Nam triều là cụ Nguyễn Đình Hòe, bấy giờ đang làm Tham tri ở Viện Cơ Mật. Về địa điểm, lúc đầu người ta đưa ra khoảng 10 chỗ khác nhau ở hai bờ sông Hương, nhưng cuối cùng, quyết định chọn vị trí trước mặt trường Quốc Học, vì ngoài ý nghĩa tưởng niệm, còn cần gây sự chú ý cho các học sinh của trường về “sự đoàn kết chiến đấu của người Việt và người Pháp để viết nên những trang sử vẻ vang chung”. Còn về hình thức của đài, có người đề nghị làm một tấm bia đá lớn để khắc tên các tử sĩ và xây một bi đình để che mưa nắng. Nhưng, cụ Nguyễn Đình Hòe đã phản đối, cho rằng những bia đá cỡ lớn như vậy chỉ dành riêng cho các vị Hoàng đế Việt Nam. Cụ đề nghị nên thay bia đá bằng một cái bình phong xây theo kiểu cách của địa phương. Ý kiến này được mọi người đồng tình.
        Một cách thận trọng, vào đầu tháng 4 – 1920, Ủy ban đã tổ chức một cuộc thi thiết kế đồ án kiến trúc đài với các tiêu chí do Ủy ban đưa ra, trong đó yêu cầu quan trọng nhất là đồ án cần được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền htống của Huế và phải phù hợp với cảnh quan tự nhiên chung quanh. Sẽ có 3 giải thưởng: nhất 80 đồng; nhì 50 đồng; ba 20 đồng (bấy giờ 1 tạ gạo là 4 đồng).
        Một tháng sau, có 4 đồ án gửi đến dự thi. Sau khi duyệt xét kỹ lưỡng, Ủy ban đã chọ đồ án của thầy giáo Tôn Thất Sa (đang dạy hội họa ở trường Bá Công Huế) để thi công.
        Công việc xây dựng kéo dài 4 tháng với kinh phí gần 10.000 đồng do ngân sách Toà Khâm sứ đài thọ.
        Cuộc lễ khánh thành đã được tổ chức tại chỗ một cách trọng thể vào ngày 23 – 09 – 1920 với sự hiện diện của vua Khải Định, Toàn quyền Đông Dương Maurice Long, các quan chức cao cấp nhất của Chính phủ Bảo hộ và Nam triều, các cựu chiến binh người Việt và nhiều người Pháp ở Huế.
        Tuy Đài chiến sĩ Trận vong là một sản phẩm của thực dân Pháp, nhưng nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức đàng hoàng và nhất là ý thức tôn trọng những nét đẹp cổ kính, thơ mộng của kiến trúc và thiên nhiên Huế, cho nên, các tác giả của nó đã để lại cho miền sông Hương núi Ngự một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị bền vững.
        Đài chiến sĩ Trận vong mang dạng một bức bình phong hình cuốn thư được lồng vào giữa một cửa tam quan. Nó được xây trên 2 tầng nền, chung quanh có lan can bổ trụ chắp hình hoa sen và giữa 4 cạnh trổ 4 hệ thống bậc thềm để lên xuống.
        Đài được xây bằng bê tông cốt thép, có 2 tầng. Tầng trên thu hẹp lại như một cái gác nhỏ. Hai tầng 12 mái giả, đều lợp ngói ống tráng men màu. Trên các bờ quyết và bờ nóc, người ta trang trí hình rồng, giao, đắp bằng sành sứ. Chung quanh đài, gạch hoa đúc rỗng được sử dụng nhiều để trang trí. Chữ thọ cách điệu, các đề tài ngũ phúc và tứ thời cũng được thể hiện ở nơi đây.
        Ở giữa mặt trước của bình phong là những dòng chữ đề tên 31 tử sĩ người Pháp được đóng khung trong hình một cái kim khánh. Còn ở mặt sau thì ghi khắc tên họ và quê quán của 78 tử sĩ người Việt thuộc các tỉnh Trung Kỳ (một số ten của họ ngày nay còn đọc được tại chỗ). Tiếp giáp 2 bên bình phong có 2 mảng cấu trúc trổ lỗ hình lục giác kiểu tổ ong để tạo vẻ thông thoáng cho công trình. Và để tăng thêm tính cách tưởng niệm, các tác giả của nó đã xây 2 cột trụ biểu cao khoảng 10m ở hai bên sân trước, trên mỗi trụ đắp hình kỳ lân, biểu tượng của điềm lành. Hai trụ biểu ở đây gợi nhớ đến những cặp trụ biểu được xây dựng tại các lăng tẩm hoàng gia ở Huế. Nhìn chung, từ tổng thể kiến trúc đến các chi tiết trang trí ở đây đều là những hình ảnh quen thuộc ở các công trình kiến trúc cổ tại cố đô. Đây là đài liệt sĩ đầu tiên được xây dựng trên đất nước ta.
        Thưa các cô chú anh chị, chúng ta vừa tham quan xong Đài chến sĩ Trận vong. Từ Đài chiến sĩ Trận vong, nếu các cô chú anh chị đi tiếp khoảng chừng 20 km nữa theo trục đường Lê Lợi hướng về phía nhà ga Huế, các  cô chú anh chị có thể tham quan chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật thời Pháp thuộc tại Huế mà hiện còn lại tương đối nguyên vẹn đến ngày nay, đó chính là trụ sở Viện dân biểu Trung Kỳ. Hiện nay, công trình này đang nằm tọa lạc tại số 3 đường Lê Lợi.
        Ngày 14 – 2 – 1926, Toàn quyền Đông Dương Varenne ký Nghị định thành lập Viện dân biểu Trung kỳ với mục đích là tổ chức này được quyền tham gia vào việc thảo luận một số vấn đề quan trọng như cải cách hành chính, dự chi ngân sách và bày tỏ ý kiến với các quan chức Pháp trong việc cai quản xứ Trung kỳ. Bấy giờ, các lực lượng có tinh thần dân tộc đã tích cực cổ động cho việc bầu cử đầu tiên của viện. Một số nhân sỹ yêu nước đắc cử và cụ Huỳnh Thúc Kháng được bầu làm viện trưởng.
        Nhưng sau gần 3 năm hoạt động đòi quyền tự do dân chủ không được đáp ứng, tại kỳ họp thường niên vào ngày 2 – 10 – 1928, cụ Huỳnh đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt đường lối cai trị của Pháp và tuyên bố từ chức cùng với một số dân biểu khác trong Viện.
        Từ năm 1957, khi Viện Đại học Huế được thành lập, trụ sở Viện dân biểu Trung Kỳ được dùng làm văn phòng cho Viện Đại học huế cho đến ngày nay.

Chợ Đông Ba

        Thưa các cô chú anh chị, chúng ta vừa tham quan xong một số di tích tại đường trục đường Lê Lợi thuộc khu Phố Tây ngày xưa. Bây giờ xin mời đoàn ta sẽ đến với một điểm tham quan tiếp theo cũng rất hấp dẫn, mà chắc có lẽ các cô chú anh chị cũng rất thích thú, đặc biệt là các cô và các chị, đó chính là chợ Đông Ba. Đến với chợ Đông Ba ngoài việc tham quan khu chợ này các cô chú anh chị còn có thể mua sắm cho mình những đặc sản nổi tiếng của nơi đây như tôm chua, nón lá, kẹo mè sửng, kẹo cau… hay những tấm vải lụa mềm mại thướt tha để tạo nên các tà áo dài mà các cô gái Huế vẫn thường mang trên mình…
        Thưa các cô chú anh chị, trước đây khoảng vào cuối thế kỷ XIX, khi nói đến các ngôi chợ nổi tiếng nhất ở Kinh đô Huế thì người ta thường nhắc đến Chọ Dinh và chợ Được. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, với vị trí mới của mình, chợ Đông Ba đã trở thành trung tâm thương mại quan trọng và nổi tiếng nhất trong số 89 ngôi chợ ở chốn Kinh kỳ.
        Chợ Đông Ba có một lịch sử khá lâu dài và đã di chuyển từ một nơi khác đến địa điểm hiện nay. Tên gọi của chợ lúc đầu cũng có khác so với tên gọi của nó về sau. Sử sách ghi rằng sau khi bắt đầu xây dựng Kinh thành vào năm 1805 dưới thời Gia Long, một ngôi chợ đã được thiết lập ở trước củ Chánh Đông, gần bên ngoài pháo đài Đông Hoa và nó được gọi tên là chợ Đông Hoa. Ngôi chợ này đã nằm ở khu vực vườn hoa Phan Đăng Lưu hiện nay. Bấy giờ, ở giữa chợ có xây một đình chợ hai tầng lợp ngói được đặt tên là đình Quy Giả. Đây là ngôi chợ khá lớn ở sát nách Kinh thành.
        Đến đầu thời Thiệu Trị, vào năm 1841, vì chữ “Hoa” là tên húy của mẹ vua, bà Hồ Thị Hoa, cho nên triều đình ra lệnh cho tất cả các địa phương trong nước, nơi nào có địa danh mang chữ “Hoa” đều phải đổi qua chữ khác. Ví dụ tỉnh Thanh Hoa đổi thành tỉnh Thanh Hóa, huyện Kỳ Hoa đổi thành huyện Kỳ Anh, núi Thúy Hoa đổi thành núi Thúy Vân… Từ đó, chợ Đông Hoa được đổi tên thành chợ Đông ba, vì chữ “ba” cũng có nghĩa là “hoa”, chẳng hạn như “bông ba” cũng có nghĩa là “bông hoa”.
        Vào năm 1887 dưới thời Đồng Khánh, chợ Đông Ba được nâng cấp và quản lý theo quy chế mới. Theo thỏa thuận giữa triều đình và một viên suất đội tên là Nguyễn Đình Nên, vào thời điểm ấy, ông Nên bỏ tiền riêng ra xây dựng đình chợ lớn hơn và xây thêm hai bên đình hai dãy quán lợp ngói. Ông được phép thu thuế chợ trong 6 năm, nhưng mỗi năm phải nạp cho phía Nhà nước 1.300 quan tiền và chỉ được thu thuế ở các tiểu thương có sạp hàng bán trong đình và trong hai dãy quán; ngoài ra, còn phải căn cứ vào giá trị của hàng hóa mà thu và “không được thu quá lệ”. Sau khi hết hạn 6 năm, đến thời Thành Thái, ông Nên được “lĩnh trưng” thu thuế như vậy thêm 3 năm nữa.
        Chợ Đông Ba sinh hoạt đều đặn như vậy cho đến năm 1899 thì có sự chuyển dịch địa điểm.
        Trước đó, vào ngày 20 – 10 – 1898m vua Thành Thái ban hành đạo dụ thành lập thị xã Huế (đạo dụ này được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y ngày 30 – 8 – 1899). Thực hiện nội dung văn bản này là một sự kiện rất quan trọng trong quá trình hiện đại hóa đô thị bên bờ sông Hương. Trong dự án quy hoạch thị xã Huế bấy giờ, một loạt công trình mang tính cơ sở hạ tầng đã được xây dựng mới, hoặc điều chỉnh, hoặc dịch chuyển cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội đương thời. Trong số những công trình đó, có sự di chuyển chợ Đông Ba từ địa điểm cũ đến điểm hiện nay, cùng với việc thiết lập phố cửa Đông, phố Trường Tiền (phố Trần Hưng Đạo ngày nay) nằm gần chợ.
        Bấy giờ, chợ Đông Ba được xây dựng mới ở một khu đất khá rộng nằm ở ngã ba sông Đông Ba đổ ra sông Hương, rất thuận tiện cho việc chuyên chở hàng hóa bằng đường bộ lẫn đường thủy. Phạm vi chợ có mặt bằng hình vuông. Ở chính giữa xây một lầu nhỏ 3 tầng lợp ngói. Bốn mặt của tầng trên cùng đều có gắn đồng hồ để báo giờ cho mọi người trong chợ. Trên chóp lầu có gắn mũi tên chỉ hướng gió đang thổi. Chung quanh khuôn viên là 4 dãy quán chạy giáp vòng, tổng cộng có 48 gian. Trong chợ còn có giếng xây bằng đá, người ta lấy nước lên dùng bằng máy quay tay. Nhìn chung, đây là một khu chợ khang trang, rất thuận lợi cho người mua kẻ bán.
        Mãi đến năm 1968, chợ Đông Ba được cải tạo, xây thành 2 tầng với một diện mạo hoàn toàn khác trước. Từ năm 1975 đến nay, chợ đã trải qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp và xây thêm nhiều công trình phụ chung quanh lầu chợ để đáp ứng các yêu cầu mới.
        Ngày nay, với diện tích được mở rộng lên đến 47.614 m2 và với hơn 2.500 hộ kinh doanh chính thức, chợ Đông Ba đã trở thành trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế. Và ngay cạnh khu chợ Đông Ba chúng ta đang thấy là khu trung tâm thương mại TrườngTiềnPlaza được xây dựng để phục vụ cho việc mua sắm của nhân dân địa phương cũng như nhu cầu mua sắm của khách du lịch.
        Thưa các cô chú anh chị, khi đến với Huế chúng ta không thể không thưởng thức các món ăn ẩm thực hết sức hấp dẫn nơi đây như cơm hến, bún hến, bún bò,
        Và món ăn ẩm thực đầu tiên rất nổi tiếng ở xứ Huế mà HDV xin giới thiệu đến các cô chú anh chị là món Cơm hến, bún hến. 
(Người soạn: Trịnh Huy Cường)
 
Hotline tư vấn miễn phí 24/7:
0888.313.369
0984.247.468
0948.247.486
Email: dieuhanhdulich247@gmail.com 
 
 
 
 

Thuê xe du lịch Hotline: 0984.247.468 / 0948.247.486 - Mr.Cường

back to top